Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không chủ quan, lơ là

Đình Hiệp| 29/04/2019 06:47

(HNM) - Năm nào cũng vậy, mùa hè, thời tiết nắng nóng kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ, người mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, hô hấp… Tại Hà Nội, dù mới vào hè nhưng qua đợt nắng nóng đầu tiên, các bệnh viện đã ghi nhận tình trạng bệnh nhân đến khám, điều trị gia tăng đột biến.


Thời tiết nắng nóng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh nhưng là điều kiện để bệnh bùng phát. Điều dễ hiểu là người già, trẻ em vốn có sức đề kháng kém hơn, nên là đối tượng dễ mắc các bệnh mùa hè. Với trẻ nhỏ các bệnh hay gặp thường liên quan đến đường hô hấp, tiêu chảy, tay chân miệng… Đối với người cao tuổi, đa phần đều nhập viện để điều trị các bệnh lý như: Tăng huyết áp, tim mạch, phổi mạn tính, viêm phế quản, rối loạn điện giải, các bệnh lý về xương khớp... Một vấn đề nữa không thể không nhắc tới là cùng với thời tiết nắng nóng kéo dài, thói quen sinh hoạt, ăn uống không bảo đảm vệ sinh của nhiều người (sử dụng thực phẩm ôi thiu; không ăn chín, uống sôi…) cũng là nguyên nhân khiến gia tăng các bệnh vào mùa hè. Trong khi đó, không ít người vẫn nhận thức chưa đầy đủ về việc giữ gìn, chăm sóc sức khỏe bản thân, thậm chí chủ quan khi hoạt động dưới trời nắng nóng mà không có biện pháp bảo vệ sức khỏe.

Mùa hè chỉ mới bắt đầu và các đợt nắng nóng sẽ tiếp tục xảy ra. Các chuyên gia y tế dự báo, số lượng bệnh nhân có thể tăng cao ngay cả khi đợt nóng kết thúc, bởi nền nhiệt thay đổi đột ngột, cơ thể không kịp thích nghi, cũng là điều kiện dễ nhiễm các bệnh do vi rút gây nên. Vì vậy, việc chủ động kiểm soát tình hình bệnh, dịch mùa nắng nóng; cảnh báo các biện pháp bảo vệ sức khỏe, chủ động phòng tránh bệnh tật là nhiệm vụ không thể lơ là, chủ quan trong bất cứ hoàn cảnh nào của ngành Y tế.

Về phía các bệnh viện, để ứng phó với tình hình gia tăng bệnh nhân đến khám, điều trị, ngành Y tế Hà Nội đã chủ động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm thủ tục hành chính, tăng cường công tác đón tiếp, hướng dẫn tại các phòng khám, tạo thuận lợi tối đa cho người bệnh. Với các khoa điều trị nội trú, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện bảo đảm cơ sở vật chất cần thiết để phục vụ người bệnh nằm điều trị. Bên cạnh đó, các bệnh viện cần tăng cường công tác phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm trong bệnh viện...

Thực tế cho thấy, mọi người đều có thể mắc các bệnh truyền nhiễm vào mùa hè, nhưng trẻ em là đối tượng dễ bị dịch bệnh tấn công nhất. Vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho trẻ cần được đặt trọng tâm ưu tiên. Ở đây, ngoài ngành Y tế phải có sự chung tay của cả gia đình và nhà trường. Cụ thể, cha mẹ phải hiểu nguy cơ, ảnh hưởng của nắng nóng để có biện pháp chăm sóc trẻ hợp lý, bổ sung dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho trẻ… Còn với nhà trường là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm bữa ăn học đường; bảo đảm vệ sinh môi trường không để phát sinh dịch bệnh...

Ngoài công tác phòng ngừa dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe, việc hướng dẫn người dân hiểu, chủ động đến cơ sở y tế điều trị khi mắc bệnh cũng rất quan trọng. Hiện, nhiều người vẫn chủ quan, tự điều trị đã dẫn đến bệnh nặng hơn hoặc các biến chứng nguy hại cho sức khỏe. Vì vậy, các ngành chức năng cần tuyên truyền bằng các hình thức khác nhau để người dân hiểu được nguyên nhân gây bệnh, sự nguy hiểm và các biện pháp phòng ngừa, điều trị thích hợp...

Với sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của ngành Y tế cùng sự hiểu biết và chủ động của mỗi người, việc phòng, chống các bệnh, dịch, bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng sẽ có hiệu quả thực sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không chủ quan, lơ là

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.