Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cao về phương thức canh tác

Hà An| 04/05/2019 06:40

(HNM) - Không nghi ngờ gì, nông nghiệp công nghệ cao là chặng tất yếu trong bước đi chung của nông nghiệp thế giới, khi đã vượt qua giai đoạn nông nghiệp hộ cá thể, năng suất thấp. Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng cũng nằm trong dòng chảy hiển nhiên ấy với đầy đủ những lợi thế về đất đai, khí hậu, chính sách… và cả những thách thức, hạn chế về môi trường, phương thức canh tác để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.


Đặc điểm của công nghệ cao là mức đầu tư lớn, đồng bộ. Mục tiêu của nông nghiệp công nghệ cao đồng thời cần đạt được là chất lượng sản phẩm nâng cao rõ rệt, hiệu quả kinh tế lớn hơn, nhưng phải tạo ra giá trị phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Hà Nội hiện có 131 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cũng là một con số đáng ghi nhận, bước đầu hình thành một mạng lưới sản xuất nông nghiệp hiện đại, thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, người tiêu dùng… Nhưng xét về quy mô, mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội thuộc diện nhỏ, dưới 2ha, hiếm có nơi chạm mức 5ha. Đất đai ở Thủ đô vốn không thể rộng rãi như nhiều tỉnh, thành khác; công tác dồn điền đổi thửa chưa đủ mở ra những cánh đồng thẳng cánh cò bay với diện tích từ 10ha trở lên…

Tuy nhiên, nông nghiệp công nghệ cao không chỉ đo đếm bằng sự quy mô, xét đến cùng đây là phương thức canh tác mới, trong đó có rất nhiều yếu tố quyết định đến chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế như giống tốt, kỹ năng tốt, quy trình chuẩn mực. Công nghệ tưới nhỏ giọt đặc sắc của Israel (hiện cũng được áp dụng nhiều ở Việt Nam) về bản chất không chỉ mang lại sự tiện lợi khi đưa nước (cùng phân bón, dưỡng chất…) tới tận mỗi gốc cây, mà vượt lên trên vấn đề kỹ thuật, giải pháp này góp phần giải quyết 3 thách thức toàn cầu về nông nghiệp là bảo tồn nguồn nước, tối ưu hóa đất trồng, an ninh lương thực.

Vì vậy, để nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Nội cất cánh, rất cần có những đánh giá về hiệu quả các mô hình từ góc độ chính sách, đầu tư, tác động môi trường, kinh tế. Ngoài ra, một lần nữa cần xác định rõ Hà Nội có những điều kiện thuận lợi nhất định để phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Đó là chính sách thuận lợi về thu hút đầu tư, đất đai; nguồn lao động dồi dào...

Tận dụng tốt các lợi thế sẵn có để phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Nội là cách làm phù hợp, thực tế. Mặt khác, nguồn lực nhỏ, đất đai hạn hẹp thì phải tăng sự liên kết, gia tăng việc bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị…

Nông nghiệp hiện đại, cụ thể là nông nghiệp công nghệ cao cũng đang được định nghĩa lại, trong đó người nông dân đang dần trở thành người chủ doanh nghiệp. Nông dân tham gia vào quy trình không chỉ như một đối tác mà là một thành tố quyết định đến việc thay đổi phương thức canh tác. Có thể kể tới việc tiếp nhận chuyển giao khoa học công nghệ bài bản, thực hiện quy trình sổ sách chặt chẽ... Vì vậy, lực lượng này rất cần thành phố tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Việc đào tạo có thể hướng đến thế hệ nông dân mới chính là những người trẻ, được học hành đầy đủ, muốn khởi nghiệp nông nghiệp trên chính đồng đất quê hương.

Đây cũng chính là cách chuẩn bị nguồn lực nhằm biến quy hoạch 9 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hệ thống các khu kinh tế hỗ trợ với quy mô 200ha đến 900ha/khu của Hà Nội trở thành hiện thực.

Thực tế, nông nghiệp công nghệ cao không phải là phong trào sản xuất có tính nhất thời. Để đạt được tỷ lệ 35% giá trị trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao Hà Nội phải đi bước chắc chắn, phù hợp, lâu dài. Trong đó, yếu tố cao nhất cần được chú trọng phải là phương thức canh tác mới, tư duy nông nghiệp mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cao về phương thức canh tác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.