Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xóa “điểm nghẽn” nhân lực

Dục Tú| 19/05/2019 06:43

(HNM) - Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, sự biến động trong mối quan hệ hợp tác và cạnh tranh về kinh tế giữa một số cường quốc cũng như xu hướng dịch chuyển lao động tự do... đã tác động mạnh mẽ đến cơ cấu và thị trường lao động Việt Nam, trong đó, đội ngũ công nhân kỹ thuật cao được trao vai trò đặc biệt.


Bối cảnh quốc tế và định hướng phát triển đất nước chỉ ra rằng, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có đội ngũ công nhân kỹ thuật cao, là yêu cầu cấp bách, là một trong những khâu đột phá chiến lược nhằm phát triển bền vững đất nước.

Tại cuộc đối thoại với công nhân kỹ thuật cao, diễn ra vào ngày 5-5-2019 tại thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã một lần nữa khẳng định điều đó khi nhấn mạnh rằng, công nhân kỹ thuật cao là tài nguyên, là tài sản, vốn quý quốc gia, và: “Nếu đi theo phương thức cũ, cứ sử dụng lao động phổ thông, thu nhập thấp thì chúng ta sẽ thất bại”.

Tính cấp bách của yêu cầu phát triển đội ngũ lao động có trình độ tay nghề cao nói chung thể hiện ở một số điều. Thứ nhất, nền kinh tế có xuất phát điểm thấp, năng suất lao động hạn chế, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp không cao…, là do chúng ta chưa có được đội ngũ công nhân đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng. Thứ hai, dòng lao động dịch chuyển tự do giữa các nước trong khu vực có thể lấy việc làm của lao động Việt Nam - cả ở thị trường lao động nước ngoài và chính tại nước ta - nếu lao động trong nước không khắc phục được hạn chế lâu nay liên quan tới kỹ năng, trình độ ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm… Thực tế minh họa cho nhận định này.

Số liệu được dẫn tại một số hội thảo, đối thoại về lao động nói chung và công nhân nói riêng cho thấy, tỷ lệ “lao động có kỹ năng”, “công nhân kỹ thuật cao” đều ở mức thấp. Mặt khác, theo khảo sát về dịch chuyển lao động có tay nghề của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), có tới 51% số lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc tại những vị trí đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Trong khi đó, đa số lao động Việt Nam ra nước ngoài có trình độ tay nghề thấp, chủ yếu là lao động phổ thông.

Xác định nguồn nhân lực hạn chế là một trong những “điểm nghẽn” kìm hãm sự tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020”. Chiến lược đang được triển khai, thu được hiệu quả nhất định, nhưng giờ là lúc cần có một kế hoạch tổng thể phù hợp với tình hình mới, khi vai trò của việc xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật cao trở nên đặc biệt quan trọng.

Kế hoạch đó cần xác định rõ mục tiêu, quy mô, cơ cấu, lộ trình, trách nhiệm của các bộ phận liên quan, hướng tới mục tiêu huy động trách nhiệm chung của toàn xã hội. Việc không chỉ của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, mà còn liên quan tới nhận thức và hành động của cá nhân người lao động, doanh nghiệp, địa phương, phụ thuộc vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển đội ngũ, cơ chế đãi ngộ đối với lao động chất lượng cao... Việc không “chạy” nếu guồng máy hoạt động thiếu thống nhất, không đồng đều, không rõ trách nhiệm ở từng khâu.

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bối cảnh quốc tế hiện nay tạo ra cơ hội và thách thức đối với sự phát triển tại Việt Nam. Có tận dụng tốt cơ hội, vượt qua thách thức hay không, phụ thuộc phần lớn vào cách thức xây dựng và phát triển nguồn lực con người, đặc biệt là đội ngũ công nhân kỹ thuật cao. Nói cách khác, phụ thuộc vào việc chúng ta có nhanh chóng xóa được “điểm nghẽn” về nhân lực hiện nay hay không. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xóa “điểm nghẽn” nhân lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.