Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để không trở thành bãi rác

Đình Hiệp| 27/05/2019 06:15

(HNM) - Điều 3 Khoản 13 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 quy định: Phế liệu là sản phẩm, vật liệu bị loại ra từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng được thu hồi để dùng làm nguyên liệu sản xuất. Còn phế thải (chất thải) là vật chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.

Điểm khác biệt lớn ở chỗ, phế liệu thì có thể thu mua để sử dụng vào mục đích khác hoặc tái sử dụng. Còn phế thải là vật chất không còn giá trị sử dụng và có thể gây nguy hại cho môi trường sống, sức khỏe của con người.

Định nghĩa là vậy, song trên thực tế không phải lúc nào phế liệu và phế thải được hiểu đúng và sử dụng đúng. Vì thế mới có chuyện nhiều quốc gia phát triển đã lợi dụng chính sách nhập khẩu phế liệu để xuất khẩu phế thải sang các nước đang phát triển - trong đó các quốc gia ASEAN trở thành điểm đến mới cho phế liệu từ các nước phát triển sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu loại hàng này từ năm 2018.

Nếu tiếp cận ở góc độ tích cực, thì phế liệu được thu hồi và tái chế có thể mang lại những cơ hội việc làm cho người lao động cũng như những lợi ích kinh tế. Việc sử dụng phế liệu (có thể tận dụng trong nước và nhập khẩu) để tái chế với công nghệ cao sẽ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường.

Thế nhưng, việc quản lý và thu hồi phế liệu không hiệu quả, không có biện pháp phòng ngừa thích hợp, thì luôn tiềm ẩn rủi ro về sức khỏe và an toàn cho công nhân tái chế, cũng như nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Đấy là chưa kể đến việc nhập khẩu phế thải dưới “nhãn” phế liệu thì những hệ lụy thật khôn lường!

Để phục vụ phát triển kinh tế, Việt Nam cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng số lượng phế liệu Việt Nam nhập khẩu năm 2018 là 9.254.300 tấn, tăng hơn 1.308.100 tấn so với năm 2017 và trong những tháng đầu năm 2019, trung bình mỗi tuần có hơn 2.000 container phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam.

Cơ quan Hải quan nhận định, thời gian tới phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng do nhu cầu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất trong nước; đồng thời, do một số quốc gia đã siết chặt hoạt động nhập khẩu phế liệu, nhất là phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Câu hỏi được dư luận đặc biệt quan tâm là trong số phế liệu nhập khẩu trên có bao nhiêu phần trăm là phế thải không thể tái sử dụng được?

Dù chưa có con số thống kê chính xác, song theo báo cáo gần đây của Tổng cục Hải quan, hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở nước ta diễn biến phức tạp. Trong quá trình kiểm tra, giám sát hàng hóa, cơ quan chức năng đã phát hiện doanh nghiệp gian lận trong nhập khẩu phế liệu như: Làm giả, tẩy xóa, sửa đổi các văn bản, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường; khai sai tên hàng, mã hàng... để hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu phế liệu.

Bên cạnh đó, một số cảng biển lớn phải đối mặt với tình trạng tồn đọng container phế liệu không có đơn vị nhận. Thực trạng trên đang đòi hỏi phải có chính sách quản lý, ngăn chặn rác thải nhập khẩu vào Việt Nam dưới dạng phế liệu một cách hữu hiệu hơn.

Thực tế, nhiều nước trong khu vực như Philippines, Malaysia, Indonesia đã có hành động cứng rắn, chuyển trả lại phế liệu nhập khẩu không thể tái chế. Ở phạm vi toàn cầu, giữa tháng 5-2019, 187 quốc gia đã đạt được thỏa thuận sửa đổi Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển qua biên giới phế thải nguy hiểm (Việt Nam tham gia từ năm 1995), theo đó sẽ tiếp tục hạn chế dòng phế liệu nhựa đến các nước đang phát triển. Đáng chú ý, một trong những hướng sửa đổi Công ước Basel được thảo luận là những nước không phải là thành viên của Basel sẽ không được xuất khẩu phế liệu đến những nước là thành viên.

Trong nước, Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó, bổ sung nhiều quy định theo hướng chặt chẽ hơn đối với nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất như: Phế liệu nhập khẩu chỉ được phép dỡ xuống cảng khi tổ chức, cá nhân nhận hàng có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất...; hoặc phải có văn bản xác nhận đã ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu... (tùy theo từng hình thức nhập khẩu)...

Việc Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung đã cho thấy những diễn biến mới và tính cấp thiết của vấn đề. Công tác gác cửa, ngăn chặn từ xa là nhiệm vụ quan trọng. Phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu, hàng hóa là chất thải không cho phép bốc dỡ xuống cảng; kiên quyết buộc tái xuất các lô hàng lợi dụng nhập khẩu phế liệu để đưa chất thải vào Việt Nam. Và hơn hết, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những tổ chức, cá nhân vi phạm.

Mới đây, quan hệ giữa Philippines và Canada trở nên căng thẳng phần nào cũng vì lô hàng phế liệu, phế thải. Vì thế cần phải có giải pháp chủ động ứng phó, ngăn chặn phế thải núp bóng phế liệu; để sự đã rồi sẽ không dễ xử lý và có thể Việt Nam trở thành nơi chứa rác thải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để không trở thành bãi rác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.