Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì quyền lợi người học

Chí Kiên| 12/06/2019 06:23

(HNM) - Việc quản lý các cơ sở dạy, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đang đặt ra không ít vấn đề cần giải quyết trong bối cảnh nhu cầu học tập và thi lấy chứng chỉ không ngừng tăng cao. Trong đó, các quy định về việc này cơ bản đã rõ ràng, vấn đề đáng quan tâm là làm thế nào để bảo đảm quyền lợi của người học.


Sở dĩ đặt vấn đề như vậy là vì việc học tập, tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là yêu cầu, điều kiện cơ bản trong tuyển dụng nhân sự hiện nay của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; đồng thời chuẩn hóa, đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình công tác. Trong khi đó, "thị trường" tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học lại "vàng thau lẫn lộn", bản thân không ít người học khó phân biệt thật - giả...

Trên thực tế đã có không ít trung tâm tin học, ngoại ngữ “tự xưng” có liên kết đào tạo với các trường đại học uy tín, tổ chức các khóa học trọn gói gồm ôn tập, “bao” thi đỗ hoặc “bao” cấp chứng chỉ. Vì rất cần, nên không ít người học tặc lưỡi đăng ký, mà không tìm hiểu kỹ đơn vị đó có được phép tổ chức thi, cấp chứng chỉ hay không? Thậm chí, có kỳ thi chỉ mang tính hình thức... mà không quan tâm đến chất lượng thực sự của người học. Sự dễ dãi, lỏng lẻo này dẫn đến nhiều hệ quả cho chính người học cũng như cơ quan, đơn vị sử dụng lao động, như chứng chỉ giả hoặc chứng chỉ không phản ánh đúng chất lượng, trình độ...

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây công bố danh sách các trường đại học và đơn vị được tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học rõ ràng là một bước đi cần thiết để minh bạch thông tin, kiểm soát chặt chẽ chất lượng trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, với thực tế như ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh - những nơi có nhu cầu lớn về đào tạo ngoại ngữ, tin học với hàng trăm trung tâm được cấp phép hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, thì yêu cầu về trách nhiệm, năng lực thanh tra, kiểm tra, quản lý của ngành chức năng, địa phương ngày càng phải tăng cao và chặt chẽ hơn.

Yêu cầu công khai theo quy định trong lĩnh vực này phải thực hiện nghiêm, bởi đó là cơ sở cho người học nhìn nhận được thực chất chất lượng của từng trung tâm. Cụ thể, đó là những yêu cầu về cơ sở vật chất (trang thiết bị dạy học, trường lớp...), đội ngũ nhân sự (trình độ, bằng cấp của giáo viên, nhất là giáo viên dạy ngoại ngữ người nước ngoài), tính pháp lý hoạt động (quyết định cấp phép, chức năng hoạt động như thế nào...); mức thu học phí... Thực tế, đây cũng là những yêu cầu bắt buộc đối với một trung tâm ngoại ngữ hay tin học khi đi vào hoạt động; đồng thời sẽ giúp lành mạnh hóa "thị trường" này, tránh tình trạng thật giả lẫn lộn, lợi dụng lòng tin của học viên để hoạt động không đúng quy định, chạy theo lợi nhuận mà quên chất lượng.

Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật, kết nối thông tin để các trung tâm có thêm nhiều kinh nghiệm điều hành, xử lý công việc, thực hiện đúng quy định, qua đó bảo đảm quyền lợi của học viên.

Về lâu dài, việc đánh giá năng lực, thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cần được đổi mới theo hướng thống nhất, chuyên nghiệp, công bằng, khách quan. Đây vừa là cơ sở bảo đảm tính nghiêm túc, thống nhất trong cấp chứng chỉ, vừa nâng cao chất lượng, phản ánh đúng trình độ người học trên bình diện cả nước và cũng tạo thuận lợi cho đơn vị tuyển dụng khi đánh giá năng lực nhân sự. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, cần hướng đến việc xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá ngoại ngữ, tin học tiệm cận với chuẩn quốc tế.

Tất cả những việc làm trên đều hướng đến bảo đảm quyền lợi của người học.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì quyền lợi người học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.