Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn cần chuyển biến mạnh hơn nữa

Đình Hiệp| 24/06/2019 06:34

(HNM) - Nhằm tạo chuyển biến thực chất trong cải cách hành chính cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền thành phố, trong hai năm 2018 và 2019, Hà Nội đều lựa chọn chủ đề năm công tác là

Việc không ngừng thăng hạng trong một loạt chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền thời gian qua là minh chứng rõ nhất cho những nỗ lực của Hà Nội. Trong đó phải kể đến các chỉ số quan trọng được xếp ở thứ hạng cao như: Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI)…

Tuy nhiên, khi phân tích các chỉ số thành phần đánh giá về hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố năm 2018 thì thấy, vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, có một số chỉ số thành phần đánh giá còn thấp như: Việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; tiếp nhận, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức... Đặc biệt, trong Chỉ số PCI, nội dung “Tính minh bạch” có sự sụt giảm mạnh trong năm 2018 khi Hà Nội xếp hạng thấp nhất từ trước đến nay.

Tất cả những tồn tại trên nếu không sớm được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp; đồng thời tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Hà Nội.

Vì lẽ đó, ngày 7-6-2019, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND “Về đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố Hà Nội”.

Chỉ thị đã đưa ra các nhóm giải pháp, nhiệm vụ cụ thể với các cấp, ngành nhằm khắc phục những tồn tại; tiếp tục tạo chuyển biến thực chất trong cải cách hành chính, nhất là ở các lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp và đời sống của người dân; cải thiện vị trí của Thủ đô trên các bảng xếp hạng đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền.

Việc triển khai thực hiện chỉ thị trên là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, ngành thành phố. Song, trước tiên và hơn hết, toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, kết quả các chỉ số đánh giá chính quyền của thành phố Hà Nội trong những năm gần đây; từ đó mới thấy hết được vai trò, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và cá nhân trong việc góp phần nâng các chỉ số đánh giá chính quyền của thành phố.

Khi tư tưởng mỗi cán bộ, công chức, viên chức thông suốt, thì mọi việc làm chắc chắn cũng sẽ thông suốt. Muốn vậy, vai trò nêu gương của người đứng đầu vô cùng quan trọng; đi đôi với đó là gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả, hiệu quả, chất lượng nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; với trách nhiệm tiếp thu, phúc đáp kịp thời, giải trình theo quy định các phản ánh, kiến nghị, yêu cầu của tổ chức, công dân...

Công khai, minh bạch thông tin người dân cần biết và được biết theo đúng quy định cũng là một yêu cầu quan trọng. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Khi công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được chú trọng; trách nhiệm thực thi công vụ, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc giao tiếp ứng xử nơi công sở, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... được đề cao, thì lúc đó chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp chắc chắn cũng sẽ được nâng lên.

Những nỗ lực của Hà Nội trong việc cải cách hành chính cũng như hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp thời gian qua đã được ghi nhận, nhưng rõ ràng vẫn cần phải có những cú hích tạo chuyển biến mạnh hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn cần chuyển biến mạnh hơn nữa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.