Theo dõi Báo Hànộimới trên

Minh bạch trong thực thi công vụ

Thế Nguyên| 01/07/2019 06:45

(HNM) - Dư âm vụ việc một số cán bộ Đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng có hành vi nhũng nhiễu, nhận hối lộ trong quá trình thực thi công vụ tại Vĩnh Phúc đã tạm thời lắng xuống...

Phải khẳng định ngay rằng, đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng hệ lụy là rất rõ: Quyền lực công của Nhà nước bị lạm dụng, bị một số cá nhân trục lợi. Tính nghiêm minh của pháp luật bị ảnh hưởng. Dư luận bức xúc, lo lắng…

Về bản chất, công vụ là việc công. Quá trình thực thi công vụ là việc triển khai các thủ tục, biện pháp, hoạt động nhà nước nhằm đạt được lợi ích chung, lợi ích xã hội, lợi ích toàn dân. Thực thi công vụ gắn liền với những "con người của Nhà nước".

Nói cách khác, “người của Nhà nước” được cử đại diện trong từng trường hợp cụ thể để thực thi quyền lực công với mục tiêu tối thượng, duy nhất như đã đề cập ở trên. Để quá trình thực thi công vụ đạt được mục tiêu này, có những vấn đề rất đáng để suy ngẫm, trăn trở, nhất là sau khi xảy ra không ít vụ việc tương tự như ở Vĩnh Phúc.

Quá trình thực thi công vụ chỉ có thể bảo đảm nếu hoàn thiện được các yếu tố: Sự chặt chẽ về mặt quy định pháp lý; sự công khai, minh bạch trong quá trình thực thi và đội ngũ thực thi có tâm, có năng lực. Các yếu tố này, thời gian qua, luôn song hành, gắn liền với quá trình xây dựng chính phủ điện tử, đẩy mạnh cải cách hành chính…

Còn với vấn đề con người, đó là việc Đảng, Nhà nước đã xây dựng, ban hành, kiện toàn hệ thống pháp luật, các bộ quy tắc văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, công chức và các ngành, địa phương đã nghiêm túc triển khai thực hiện… Luật Phòng, chống tham nhũng là khung khổ pháp lý có tính bao trùm quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Ở góc độ cụ thể, liên quan vấn đề thực thi công vụ, vừa qua, ngày 22-4-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Rồi sau phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động ngày 19-5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" giai đoạn 2019-2025...

Cũng cần nói thêm, ngay sau khi có thông tin về vụ việc một số cá nhân Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng tại Vĩnh Phúc có sai phạm, ngày 17-6, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng đã có Công văn số 219-CV/BCĐTƯ gửi Ban Cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, về việc rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng.

Và cùng với việc yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật cá nhân có sai phạm, cũng trong ngày 17-6, Thủ tướng đã có Công điện số 724/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.

Nhiều biện pháp có tính then chốt đã được chỉ rõ: Đó là các bộ, ngành, địa phương cần ban hành quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch, cụ thể và có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, thi hành án, hải quan, thuế, quản lý thị trường… bảo đảm ngăn chặn cho được tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, "vòi vĩnh", "chung chi", phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực thi công vụ.

Từng cơ quan, đơn vị ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc; tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Triển khai rộng rãi hệ thống ghi âm, ghi hình, camera trực tuyến tại các địa điểm có tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp và có bộ phận thường trực để theo dõi, giám sát thường xuyên…

Ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực là quan điểm xuyên suốt của công cuộc phát triển đất nước. Đây cũng là quyết tâm của Đảng và Nhà nước nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Và khi thực hiện công khai, minh bạch, quá trình thực thi công vụ sẽ được giám sát chặt chẽ, không còn “đất” cho sách nhiễu, nhũng lạm, phiền hà từ các cá nhân được giao nhiệm vụ song có cái tâm không trong sáng.

Trên hết, khi công khai, minh bạch thì quá trình thực thi công vụ, ở bất kỳ lĩnh vực nào, đều đạt được mục tiêu cao nhất: Vì lợi ích của toàn dân, của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch trong thực thi công vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.