Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đáp ứng yêu cầu thực tế

Chí Kiên| 12/07/2019 07:04

(HNM) - Mặc dù hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thời gian qua đã đạt một số kết quả nhất định nhưng nhìn chung, việc này vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. Thực trạng này khiến doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong tiếp cận các thông tin pháp lý liên quan thủ tục hành chính, quy định tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, kế hoạch và quy hoạch... Đặc biệt, nhu cầu hỗ trợ thủ tục liên quan các lĩnh vực sát sườn của doanh nghiệp như thuế, kế toán, tiếp cận tín dụng, xuất - nhập khẩu... cũng rất lớn.

Điều đáng nói, để đáp ứng yêu cầu, không ít doanh nghiệp phải tự mò mẫm, chủ động tìm kiếm văn bản luật liên quan từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, dễ thấy nhất là các doanh nghiệp thường tiếp cận thông tin pháp luật qua cổng, trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, các trang này không phải lúc nào, hay ở đâu cũng hoạt động hiệu quả hoặc đáp ứng hết yêu cầu doanh nghiệp. Chưa kể, một số cơ quan chức năng khi được doanh nghiệp "nhờ cậy" giải đáp pháp luật cũng chưa làm tròn trách nhiệm của mình.

Ở chiều ngược lại, bản thân các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có nhiều hạn chế. Cụ thể là phần lớn doanh nghiệp bố trí nhân sự triển khai công tác pháp luật theo chế độ kiêm nhiệm; nhiều doanh nghiệp phát triển từ mô hình sản xuất nhỏ, thường làm việc theo thói quen, nên chưa nhận thức hết vai trò quan trọng của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh...

Do đó, việc Chính phủ ban hành Nghị định 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là hết sức cần thiết, góp phần quan trọng cho doanh nghiệp phát triển. Yêu cầu đặt ra hiện nay là các bộ, ngành, địa phương phải đưa văn bản pháp quy này đi vào cuộc sống một cách thực chất, hỗ trợ đúng, trúng, dựa trên nhu cầu có thật của doanh nghiệp.

Theo đó, các bộ, ngành có trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện nội dung chương trình hỗ trợ pháp lý để cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức, tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi quản lý. Chính quyền địa phương ban hành chính sách về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần bảo đảm đầy đủ nguồn kinh phí, nhân lực cho hoạt động này. Cùng với đó, những tổ chức đại diện của doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tích cực tham gia xây dựng, phản biện, triển khai chính sách liên quan đến hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Có thể nói, cách thức thực hiện phải đa dạng, phong phú, phù hợp từng đối tượng doanh nghiệp; đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở vùng sâu, vùng xa bởi khu vực này dịch vụ tư vấn pháp lý chưa phát triển. Cùng với đó là tận dụng nền tảng công nghệ thông tin phát triển để mở rộng hình thức tư vấn pháp lý trực tuyến, doanh nghiệp có thể tiếp cận mọi lúc, mọi nơi.

Ở góc độ doanh nghiệp, khi am hiểu pháp luật, đơn vị có thể tự bảo vệ mình trước các rủi ro pháp lý trong kinh doanh và thuận lợi hơn trong giao dịch hành chính với cơ quan nhà nước. Vì thế, bản thân doanh nghiệp cần khắc phục những tồn tại, hạn chế, chủ động trang bị những kiến thức pháp luật cần thiết... Bởi, chính doanh nghiệp mới hiểu mình cần gì nhất để bảo đảm kế hoạch sản xuất, kinh doanh vừa hiệu quả, vừa đúng pháp luật.

Nói cách khác, cả đơn vị hỗ trợ pháp lý và doanh nghiệp phải thực sự nghiêm túc, bảo đảm chắc chắn việc được trợ giúp pháp lý có tác dụng thật sự, là nhu cầu có thật. Khi đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa mới có điều kiện nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh, từng bước lớn mạnh.           

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đáp ứng yêu cầu thực tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.