Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự phòng là quan trọng nhất

Dục Tú| 22/07/2019 07:07

(HNM) - Căn bệnh đột quỵ hiện là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở Việt Nam và là nguyên nhân gây tử vong thứ ba trên thế giới. Đáng chú ý, đối tượng bị đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa. Những cảnh báo y khoa cho thấy, đột quỵ không chỉ gây thiệt thòi cho người bệnh mà còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Bởi vậy, việc tìm ra giải pháp nhằm ngăn ngừa, làm giảm số người bị đột quỵ, trong đó có người trẻ tuổi, là vấn đề vô cùng quan trọng.

Giờ đây, nguyên nhân gây đột quỵ không còn là điều khó hiểu. Có nhiều yếu tố bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ, như dị tật mạch máu não, các bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, mỡ máu, thừa cân béo phì… Với người trẻ tuổi, ngoài số ít do bệnh lý thì nguyên nhân chủ yếu là do thói quen ăn uống không khoa học; lối sống thiếu lành mạnh; ít vận động, thường xuyên căng thẳng do áp lực nhiều mặt trong cuộc sống...

Các nghiên cứu về bệnh đột quỵ xếp yếu tố nguy cơ gây bệnh vào hai nhóm, bao gồm các yếu tố có thể kiểm soát được - liên quan tới bệnh lý, chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt hằng ngày…, và những yếu tố mà con người không thể tự kiểm soát như tuổi tác, tiền sử bệnh trong gia đình, giới tính.

Như vậy, có thể hiểu với bệnh đột quỵ, nhiều yếu tố gây bệnh bắt nguồn từ thói quen sinh hoạt, ăn uống, làm việc của mỗi người, và đó cũng chính là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng người bị đột quỵ có xu hướng trẻ hóa. Tiếp cận vấn đề theo hướng này, có thể nhận định, với bệnh đột quỵ liên quan tới giới trẻ, công tác phòng bệnh là quan trọng nhất, mục tiêu là loại trừ các yếu tố vốn do chủ quan gây nên.

Như đã nói, nguyên nhân khiến người trẻ tuổi bị đột quỵ chủ yếu liên quan đến chế độ dinh dưỡng, lối sống, khả năng chống chịu áp lực, nên công tác dự phòng cần tập trung vào các yếu tố này. Cần có giải pháp tuyên truyền, vận động thường xuyên để người trẻ hiểu rõ về bệnh, nguyên nhân gây bệnh, từ đó loại bỏ tâm lý chủ quan coi đột quỵ là bệnh của người già, mình còn trẻ, khỏe nên không có ý thức tự chăm sóc bản thân.

Mỗi người nên duy trì chế độ ăn uống khoa học, có thói quen sinh hoạt lành mạnh (như hạn chế sử dụng rượu, bia, tăng cường vận động, luyện tập thể thao) và tự giác thực hiện chế độ khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm nguy cơ gây bệnh.

Đối tượng tuyên truyền, vận động không chỉ khoanh vùng với người trẻ tuổi, mà còn hướng tới cơ quan, đơn vị, trường học, gia đình... Bởi đây là những nơi có tác động rất lớn tới việc hình thành thói quen sinh hoạt có ích cho sức khỏe, tạo dựng đời sống tinh thần lành mạnh, hỗ trợ người trẻ biết cách giảm áp lực không cần thiết từ công việc và cuộc sống.

Việc tuyên truyền cũng phải đi vào từng vấn đề cụ thể, như tùy theo độ tuổi thì ngủ bao nhiêu giờ trong một ngày là đủ, rau xanh có ý nghĩa ra sao trong thực đơn hằng ngày, tại sao sử dụng rượu, bia và thuốc lá có thể làm gia tăng nguy cơ bị đột quỵ, tránh tự gây căng thẳng cho mình bằng cách nào…

Dù dự phòng tốt, khả năng người trẻ bị bệnh là không thể loại trừ, nên cần trang bị cho họ kỹ năng nhận biết những dấu hiệu đặc trưng của bệnh, phương pháp xử lý tình huống và cách tự điều chỉnh chế độ sinh hoạt, luyện tập, ăn uống khi xuất hiện yếu tố bệnh lý liên quan như đái tháo đường, cao huyết áp, béo phì…    

Trong xã hội hiện đại, nguy cơ bị đột quỵ cao hơn trước và bệnh không phải là “của riêng” người cao tuổi. Quan tâm đầy đủ đến những cảnh báo y khoa để tự điều chỉnh lối sống, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi nhằm phòng bệnh, đó có lẽ là cách tiếp cận quan trọng nhất với mọi người, đặc biệt là người trẻ tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự phòng là quan trọng nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.