Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai thác hết tiềm năng

Liên Nhi| 26/07/2019 06:10

(HNM) - Theo kết quả điều tra khách du lịch đến Hà Nội do Sở Du lịch Hà Nội công bố, thời gian lưu trú bình quân của khách quốc tế tăng từ 3,64 ngày (năm 2017) lên 3,67 ngày (năm 2018), khách nội địa từ 2,12 ngày lên 2,32 ngày; mức chi tiêu trung bình của khách quốc tế năm 2018 là 2,6 triệu đồng/lượt khách/ngày (tăng 13% so với năm 2017), khách nội địa đạt 1,75 triệu đồng/lượt khách/ngày (tăng 3,2%)... Đây chỉ là một trong hàng loạt các chỉ số chứng minh sự chuyển mình mạnh mẽ của du lịch Thủ đô. Ấn tượng hơn, kết quả này cho thấy du lịch Hà Nội đang chuyển từ giai đoạn phát triển về số lượng sang chất lượng, mang tính bền vững hơn.

Dù vậy, để khai thác tài nguyên du lịch cho tương xứng với tiềm năng, ngành Du lịch Thủ đô còn nhiều việc phải làm cho chặng đường sắp tới.

Trước hết là khắc phục những hạn chế trong nghiên cứu thị trường. Việc xác định nhóm du khách cần ưu tiên hướng tới sẽ đến từ châu Âu, châu Mỹ hay khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) để xây dựng kế hoạch phát triển trung và dài hạn là rất cần thiết. Hay như việc nghiên cứu thiết kế các tour nhắm trúng nhu cầu của du khách cũng cần được chú trọng đầu tư, cả về tài chính, công sức và thời gian. Tour du lịch văn hóa độc đáo “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ” triển khai từ năm 2017, kết nối với Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Phú Thọ - được giới du lịch đánh giá cao, đến nay vẫn là một bài học còn nguyên giá trị.

Công việc quan trọng hàng đầu khác là huy động, kết nối các nguồn lực hỗ trợ phát triển. Một hạn chế phải kể đến của ngành Du lịch Hà Nội hiện nay là chưa huy động được sự vào cuộc của các huyện, phát triển du lịch làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới. Do đó, bài toán đặt ra đối với các địa phương là cần huy động các nguồn lực, khai thác tốt hơn nữa thế mạnh du lịch làng nghề, bởi Hà Nội từ lâu đã được mệnh danh là “mảnh đất trăm nghề”.

Tăng cường nguồn lực về vốn và công nghệ cho du lịch cũng là một giải pháp không thể coi nhẹ. Sở Du lịch Hà Nội, bên cạnh sự phối hợp với chính quyền các cấp, cần chủ động sát cánh với các doanh nghiệp để tận dụng tối đa nguồn lực xã hội đầu tư vào phát triển du lịch.

Một thực tế nữa cần nhắc đến là sáu cụm du lịch trọng điểm đã nêu ra tại Quy hoạch phát triển du lịch Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 - triển khai từ năm 2012 nhưng hiện mới chỉ thu hút được một số nhà đầu tư nhỏ lẻ. Thực tế cho thấy, Hà Nội cần có những điểm nhấn như cao nguyên Genting của Malaysia hay vịnh Marina của Singapore, nơi các du khách không ngần ngại dốc hầu bao. Do đó, bên cạnh các điểm đến truyền thống như: Khu vực phố cổ, hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long… thì Công viên Văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (huyện Đông Anh), Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa (huyện Sóc Sơn) khi đi vào hoạt động sẽ phần nào giải quyết vấn đề này.

Ngoài ra, việc tăng cường quản lý nhà nước về đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm du lịch, nhất là hướng dẫn viên - những “sứ giả” của "ngành công nghiệp không khói", cũng là một việc cần được quan tâm đúng mức, góp phần nâng tầm chất lượng dịch vụ.

Để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, ngành Du lịch Hà Nội nói riêng và các cấp, ngành của thành phố cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để xây dựng môi trường du lịch “an toàn, thân thiện, chất lượng và hấp dẫn”. Trong đó, vấn đề xuyên suốt của du lịch Thủ đô vẫn phải bám sát là cái hồn cốt, tinh túy của Thăng Long - Hà Nội. Đó vừa là bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến, “Thành phố Vì hòa bình”, vừa là lợi thế của du lịch Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khai thác hết tiềm năng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.