Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để cổ phần hóa không còn chậm

Gia Khánh| 04/09/2019 06:31

(HNM) - Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt danh mục 93 doanh nghiệp phải cổ phần hóa, chậm nhất đến năm 2020 phải hoàn thành. Trong đó, có nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn, như: Than - Khoáng sản, Bưu chính - Viễn thông, Hóa chất...

Thực tế, đây là việc khó nếu biết rằng, từ năm 2017 đến nay, mới có 35/127 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 27,5%) thuộc danh sách phải cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 hoàn thành nhiệm vụ này.

Có nhiều lý do (có lẽ cũng không mới) khiến việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm trễ như vậy.

Về khách quan, những đơn vị chưa cổ phần hóa hầu hết là doanh nghiệp lớn, nên quá trình xác định tài sản, đất đai... phức tạp hơn. Đặc biệt, đây cũng là khâu phát sinh nhiều vướng mắc, lại phụ thuộc vào nhiều cơ quan, đơn vị khác mà bản thân doanh nghiệp hay bộ, ngành chủ quản không thể tự quyết định...

Về chủ quan, có sự thiếu quyết liệt, thậm chí chưa nghiêm túc thực hiện việc cổ phần hóa doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương. Người đứng đầu doanh nghiệp sợ trách nhiệm khi gặp vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa; lo mất vai trò, vị trí sau khi doanh nghiệp đã cổ phần hóa, Nhà nước không còn nắm giữ vốn... Và, khâu vướng mắc, khó khăn trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phần nhiều nằm ở nguyên nhân chủ quan này.

Chính phủ có chủ trương và quyết tâm rất cao, bởi hiệu quả của việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được chứng minh trên thực tế (Vinamilk là một ví dụ điển hình). Nhiều cuộc họp giữa Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương đã được tổ chức nhằm làm rõ vướng mắc, có chỉ đạo giải quyết cụ thể.

Tại cuộc họp mới nhất của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo Vương Đình Huệ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải nhanh nhạy, chủ động phát hiện vấn đề bất thường để giải quyết thay vì ngồi chờ giao nhiệm vụ mới làm; kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan để chậm phê duyệt phương án cổ phần hóa theo quy định... Như vậy, vấn đề ở đây là giải bài toán độ vênh giữa chủ trương và quyết tâm với thực tế triển khai cổ phần hóa; và để thực hiện đạt kết quả tốt thì phải quyết liệt trong tiến trình cổ phần hóa.

Nói cách khác, cùng với chủ trương và quyết tâm của Chính phủ, làm sao để các doanh nghiệp nhà nước cũng thấy được động lực cổ phần hóa. Khi đó, chính doanh nghiệp sẽ chủ động tìm giải pháp, đề xuất tháo gỡ vướng mắc thay vì né tránh trách nhiệm, sợ vi phạm, chờ đợi chỉ đạo... Cùng với cơ chế thực hiện chặt chẽ, có lộ trình rõ ràng, doanh nghiệp không thể chần chừ cổ phần hóa, đồng thời ngăn ngừa việc lợi dụng, lách luật để trục lợi, làm thất thoát giá trị tài sản của doanh nghiệp nhà nước.

Một trong những giải pháp được nhắc đến nhiều là minh bạch thông tin để thu hút nhà đầu tư đích thực, gắn bó với sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao giá trị của doanh nghiệp. Đi đôi với đó là gắn cổ phần hóa với đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán; khi phương án cổ phần hóa đã được thông qua không chấp nhận việc chậm trễ niêm yết với bất kỳ lý do gì.

Mặt khác, doanh nghiệp nào còn nhiều vướng mắc trong hoạt động, trong quá trình xác định giá trị tài sản... mà không thể giải quyết được ngay, nên đưa ra khỏi danh mục cổ phần hóa để tập trung xử lý bằng các hình thức khác, không nên ép cổ phần hóa bằng mọi giá.

Cùng với xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai cổ phần hóa, trách nhiệm của các bên liên quan cũng phải được quy định rõ ràng hơn. Khi tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp không bảo đảm quy định, đó là căn cứ để xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan.

Giải pháp đồng bộ gắn với trách nhiệm và chế tài xử lý trách nhiệm cụ thể sẽ giúp thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để cổ phần hóa không còn chậm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.