Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để thế hệ tương lai phát triển toàn diện

Minh Thúy| 06/09/2019 06:29

(HNM) - Trong không khí trang nghiêm, ngày hội khai giảng năm học mới trên cả nước được tổ chức ngắn gọn theo hướng đưa học sinh trở thành trung tâm của mọi hoạt động. Cùng với những thông điệp như: “Lễ khai giảng không bóng bay”, “Lễ khai giảng xanh”…, nhiều điều mới mẻ đã được thực hiện một cách thiết thực trong ngày hội ý nghĩa này.

Cùng với học sinh cả nước, gần 150.000 nhà giáo và 2 triệu học sinh Thủ đô hân hoan bước vào năm học mới 2019-2020. Tại lễ khai giảng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định: Quán triệt phương châm “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, thành phố luôn quan tâm đầu tư cho giáo dục về mọi mặt; tạo điều kiện và môi trường tốt nhất cho công tác dạy và học của các nhà trường. 

Đúng như lời khẳng định của đồng chí Bí thư Thành ủy, chất lượng giáo dục của Thủ đô những năm qua có sự khởi sắc rõ nét, trên nền tảng cơ sở vật chất được đầu tư thường xuyên, liên tục; đội ngũ giáo viên không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng. Khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn được rút ngắn; việc gắn dạy chữ với dạy người ngày càng được chú trọng. Những mô hình như: “Trường học hạnh phúc - Thầy cô hạnh phúc - Học sinh hạnh phúc”… đã giúp học sinh không chỉ được học chữ, mà còn được học làm người…

Đảng và Nhà nước ta đã xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai; giáo dục vừa là động lực, vừa là mục tiêu cho sự phát triển xã hội. Và với sự phát triển của đất nước, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là yêu cầu ngày càng bức thiết của xã hội.

Trong thư gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Ngành Giáo dục cần tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo, nhất là Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua; tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu của năm học và kế hoạch 5 năm 2016-2020”… Đó là những nhiệm vụ căn cốt của năm học mới. Để thực hiện điều này, đòi hỏi người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục, các nhà trường, bằng tinh thần trách nhiệm, sự đam mê, nhiệt huyết… phải không ngừng sáng tạo, có giải pháp linh hoạt để ứng dụng vào công tác dạy và học. 

Là vấn đề có tính móc xích, muốn hoàn thành nhiệm vụ đó, việc phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý phải được coi trọng cả về số lượng và chất lượng. Các cấp, các ngành phải có chiến lược, dành nguồn lực đầu tư thích đáng cho việc đào tạo, nâng cao trình độ của đội ngũ này.

Đồng thời, các cấp của ngành Giáo dục phải tự đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy; từ đó kêu gọi nguồn lực xã hội hóa cho công cuộc dạy chữ, dạy người… Đặc biệt,  năm học này là năm học "bản lề" chuẩn bị đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, nên việc củng cố cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực có ý nghĩa rất quan trọng để đạt hiệu quả ngay từ năm đầu áp dụng chương trình mới…

Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói: “Dạy chữ đã quan trọng rồi, dạy người, dạy đức, dạy lối sống văn hóa càng quan trọng hơn”. Vì thế, mỗi nhà trường cần chú trọng, tăng cường giáo dục trong lĩnh vực này bằng những hình thức đa dạng, dễ tiếp thu và mang tính thực chất… Thực hiện những điều này, nền giáo dục sẽ tạo được những thế hệ tương lai phát triển toàn diện, là nguồn lực xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để thế hệ tương lai phát triển toàn diện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.