Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vụ cháy tại Công ty Rạng Đông: Suy nghĩ tích cực, hành động tích cực

Trí Dũng| 09/09/2019 01:10

(HNMO) - Thông tin nhiều, nhưng thiếu nhất quán trong phát ngôn và truyền tải thông tin sẽ gây tâm lý hoang mang cho người dân. Qua vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho thấy, đã đến lúc các cơ quan quản lý phải sớm xây dựng một quy trình xử lý sự cố, trong đó bao gồm cả quy trình, cách thức thông tin đến người dân...

Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND quận Thanh Xuân tổ chức khám sức khỏe cho người dân quanh khu vực cháy tại Công ty Rạng Đông. Ảnh: Quang Thái

"Xét trên khía cạnh khoa học, trong quá trình WHO phát triển các tiêu chuẩn về an toàn và căn cứ trên những thông số quan trắc của Bộ TN&MT đều trong ngưỡng an toàn nên các bạn không cần phải quá lo lắng về tác động của thủy ngân đối với sức khỏe con người".  Phát biểu của Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam dường như đã tháo được “nút thắt” thông tin đến nghẹt thở suốt hàng chục ngày qua, sau vụ hỏa hoạn xảy ra tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông).

Nhìn lại diễn biến vụ việc. Mười một ngày trước, vào chiều tối 28-8, ngọn lửa đã bùng lên bao trùm khu xưởng gần 6.000m2 của Công ty Rạng Đông trên phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Sau nhiều giờ nỗ lực dập lửa, đám cháy lớn mới được khống chế hoàn toàn. Một đám cháy không gây thiệt hại về người, đó là điều may mắn, thế nhưng nó lại gây ra sự lo lắng bao trùm bởi những thông tin liên quan sau đó. 

Một ngày sau vụ cháy, UBND phường Hạ Đình phát hành khuyến cáo người dân xử lý môi trường, giữ an toàn, bảo đảm sức khỏe. Nhưng sau đó, UBND phường Hạ Đình đã ra văn bản thu hồi khuyến cáo nói trên với lý do “văn bản ban hành chưa đúng thẩm quyền và chưa đủ cơ sở”. Tiếp theo đó là một loạt những tuyên bố mỗi nơi một kiểu của các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học về hậu quả vụ cháy, trong đó đáng chú ý là thông báo ngày 31-8 của Bộ TN&MT khuyến cáo người dân với nội dung giống với nội dung văn bản của UBND phường Hạ Đình. Nhưng trong đó việc cần khẳng định có hay không tình trạng ô nhiễm từ chất nguy hại như thủy ngân lại không được đề cập. 

Thậm chí, trong tài liệu thông tin tại buổi họp báo Chính phủ diễn ra chiều 4-9, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân có nêu các điểm quan trắc không khí trong khuôn viên Công ty Rạng Đông phía trước khu cháy và trong nhà kho bị cháy có giá trị thủy ngân (Hg) trong môi trường không khí cao vượt mức khuyến cáo của WHO và ATSDR – Mỹ từ 10-30 lần, là ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người.

Tuy nhiên, ngày 6-9, thông tin đăng tải trên website của Bộ về kết quả quan trắc chất lượng môi trường sau vụ cháy, Bộ TN&MT đã không còn cảnh báo nêu trên. 

Rõ ràng, việc mỗi cơ quan đưa ra một thông báo, mỗi chuyên gia nêu một ý kiến cùng với nhiều bài báo, thông tin trên các mạng xã hội đã khiến người dân thêm hoang mang, những hệ lụy xã hội bắt đầu thành hình. “Tổn thất ngoài dự kiến” chính là việc người dân mất phương hướng trong tiếp nhận thông tin. Thậm chí, đã có những thông tin rất xấu, động cơ vô minh muốn hướng lái dư luận nhìn nhận sai lệch về thái độ, trách nhiệm của thành phố Hà Nội với vụ việc.

Thực tế thì sao? Hôm ấy, khi nghe tin xảy ra vụ cháy, tôi có “check” thêm thông tin từ một người bạn trong lực lượng phòng cháy, chữa cháy thì nghe anh nói: “Hàng trăm anh em sẽ lại phải trắng đêm vật lộn với lửa”. Quả vậy, vụ cháy quá lớn và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an từ phường, quận đến thành phố; chủ lực là cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã phải vật lộn hàng chục tiếng đồng hồ, xả thân chữa cháy, không để lửa lan sang khu dân cư. Chính quyền các cấp, từ thành phố đến quận, phường lập tức vào cuộc, huy động các lực lượng tại chỗ như bảo vệ dân phố, dân phòng tham gia hỗ trợ chữa cháy, di chuyển và bảo vệ tài sản của người dân. Tinh thần ấy còn truyền được tới những người dân sở tại. Đồng cảm với những vất vả, sự vật lộn của các lực lượng cứu hỏa, hàng chục người dân cũng đã nhiệt tâm tham gia tiếp sức, bằng những chai nước, những chiếc bánh mì và góp sức hỗ trợ di chuyển con người và vật dụng đến nơi an toàn… Đó là trách nhiệm, là tình người trong hoạn nạn.

Với tinh thần "thành phố luôn sẵn sàng chịu trách nhiệm trong việc xử lý vụ việc", Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp với các sở, ban, ngành, chính quyền sở tại và đại diện các hộ dân khu vực tiếp giáp hiện trường vụ cháy. Chủ tịch UBND thành phố giao cơ quan công an khẩn trương trưng cầu các cơ quan giám định, sớm kết luận nguyên nhân xảy ra vụ cháy; xác định chính xác số thủy ngân trong sản phẩm đã bị cháy để công bố công khai, minh bạch; các cơ quan chuyên môn tiến hành quan trắc chất lượng không khí, chất lượng môi trường đất, nước mặt; thực hiện các biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu hệ lụy cũng như khắc phục hậu quả về môi trường.

Đặc biệt, dù cũng có thiết bị hiện đại của Pháp (đạt tiêu chuẩn châu Âu) xác định được chỉ số ô nhiễm môi trường sau vụ cháy rất chính xác, nhưng UBND thành phố đã yêu cầu trưng cầu độc lập Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ nhằm đưa ra giải pháp khoa học làm căn cứ xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình xử lý các vụ việc tương tự.

Để chăm lo cho sức khỏe của người dân, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và UBND quận Thanh Xuân triển khai khám, kiểm tra sức khỏe miễn phí cho nhân dân. Thành phố cũng tổ chức đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên các gia đình bị ảnh hưởng bởi vụ cháy. 

Có thể khẳng định, để xảy ra vụ cháy là điều chẳng ai mong muốn, và đây có lẽ cũng không phải trường hợp cá biệt. Song, bài học nhãn tiền có thể thấy ngay là cách thức ứng xử, thông tin của các cơ quan chức năng qua sự việc này đang bộc lộ những kẽ hở, nhất là trong việc phối hợp xử lý sự cố, từ các bộ, ngành tới địa phương, cơ sở. Bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, thông tin xã hội giống như khí thở, nó cũng độc hại với con người một khi đã bị “nhiễm khuẩn”.

Ngày nay, những khuyến cáo về an toàn thực phẩm, nguồn nước, không khí… luôn là thông tin nhạy cảm với cộng đồng. Do đó, trước một sự việc, lực lượng cung cấp và truyền tải thông tin cần có trách nhiệm để thông tin kịp thời nhưng chuẩn xác để không gây hoang mang cho người dân. Còn với người dân, đòi hỏi mỗi người phải biết sàng lọc thông tin, suy nghĩ tích cực và hành động tích cực, không để cái xấu lấn át, dẫn dắt. Từ một vụ việc này cũng cho thấy, đã đến lúc các cơ quan quản lý phải sớm xây dựng một quy trình xử lý sự cố, trong đó bao gồm cả quy trình, cách thức thông tin đến người dân...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ cháy tại Công ty Rạng Đông: Suy nghĩ tích cực, hành động tích cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.