Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chất lượng là then chốt

Minh Thúy| 11/09/2019 06:18

(HNM) - Là đất nước ở vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, nên Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã mở ra một giai đoạn hợp tác mới đầy triển vọng, kỳ vọng mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và tạo ra sức bật lớn cho ngành Nông nghiệp nước nhà.

Liên minh châu Âu (EU) thuộc vùng ôn đới, không có điều kiện sản xuất hàng nông sản nhiệt đới. Thêm nữa, những hàng hóa xuất khẩu chính của nước ta sang EU được hưởng ưu đãi đều là ngành hàng mũi nhọn, như: Gạo, cà phê, hồ tiêu, hoa quả, thủy sản…

Rõ ràng, với ưu thế có nguồn nông sản lớn, lại được “tiếp sức” từ việc thuế suất giảm sâu, tiệm cận mức 0-5% trong vòng 7-10 năm (kể từ khi EVFTA có hiệu lực) nên nếu nắm được cơ hội, nông sản nước ta sẽ thực sự “cất cánh”. Song, để biến lý thuyết thành thực tế không đơn giản.

EU nổi tiếng là thị trường “khó tính” với những đòi hỏi nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, dán nhãn, xuất xứ… Trong khi đó, nền sản xuất nông nghiệp ở nước ta vẫn manh mún, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên…

Chưa kể, khi tham gia EVFTA, chúng ta sẽ phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu đến từ các nước có lợi thế hơn, trình độ phát triển cao hơn. Nếu không khẳng định được chất lượng, hàng hóa của Việt Nam sẽ mất chỗ đứng trên chính sân nhà…

Như vậy, có tiềm năng về sản lượng, tuy nhiên, chất lượng sản phẩm mới là yếu tố then chốt giúp nông sản Việt vững bước vào thị trường châu Âu.

Vấn đề đầu tiên để tạo lập được nền tảng cho việc đưa nông sản Việt vào EU là các cơ quan chức năng, hệ thống doanh nghiệp và người sản xuất phải nắm được các cam kết giữa Việt Nam và các nước đối tác; hiểu về nghĩa vụ, trách nhiệm của người cung ứng hàng hóa… Tức là, từ nhà quản lý đến các doanh nghiệp phải hiểu được mình phải làm gì để có thể chiếm được chỗ đứng ở thị trường quan trọng này.

Muốn thế, ở tầm vĩ mô, các cơ chế, chính sách về đất đai, nguồn vốn, cơ chế hỗ trợ cần được cải thiện nhanh, mạnh hơn nữa để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có điều kiện chuyển mình, đáp ứng được các đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm của thị trường mới. Các hoạt động xúc tiến thương mại ở nước ngoài, tạo kênh kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với đối tác nước ngoài cũng phải được đẩy mạnh…

Để doanh nghiệp có cái nhìn toàn diện, đúng bản chất về thị trường EU, các cơ quan chức năng cần công bố, cập nhật thường xuyên những quy định, quy tắc, yêu cầu đối với từng dòng hàng của các thị trường, doanh nghiệp nhập khẩu. Đồng thời, đưa ra dự báo, khuyến cáo để cộng đồng doanh nghiệp kịp thời có sự điều chỉnh trong đầu tư, sản xuất.

Và trên những nền tảng ấy, mỗi doanh nghiệp phải tự vận động, tìm giải pháp để sản phẩm luôn đạt và giữ chất lượng ổn định. Bên cạnh việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực…, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy. Đó là sản xuất sản phẩm an toàn, chất lượng không phải chỉ “chốt” ở khâu cuối, thành phẩm, mà phải bảo đảm trong cả chuỗi sản xuất…

Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp nên chọn ra những doanh nghiệp “đầu đàn” để có định hướng, mang tính dẫn dắt. Những địa phương có thế mạnh về nông sản cũng nên tìm sản phẩm chủ lực để đầu tư, tránh dàn trải.

Và quan trọng nhất, dù trong điều kiện nào, nông sản vẫn phải giữ được chất lượng như cam kết với đối tác. Đó là lựa chọn duy nhất để chiếm được chỗ đứng ở thị trường tiềm năng nhưng cũng đòi hỏi cao này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng là then chốt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.