Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng nội lực để hấp dẫn đầu tư

Mai Lâm| 07/10/2019 13:07

(HNM) - Việt Nam đứng thứ 8 trong nhóm 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với vị trí thứ 23 của năm 2018. Đó là thông tin vừa được U.S. News & World Report công bố khi tiến hành khảo sát, xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất trên thế giới để đầu tư trong năm nay.

Dẫu chỉ mang tính tham khảo nhưng đây thực sự là thông tin đáng quan tâm, nhất là khi tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp, liên tục nảy sinh các vụ tranh chấp thương mại căng thẳng. Đáng quan tâm không chỉ ở thứ hạng nền kinh tế nước ta có được trên bảng xếp hạng mà còn bởi đây là đánh giá đáng tin cậy khi được tiến hành kỹ lưỡng, dựa trên những tiêu chí, căn cứ hết sức cụ thể.

Theo đó, U.S. News & World Report đã khảo sát hơn 21.000 người từ 80 quốc gia, trong đó có khoảng 7.000 lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn cầu. Việc đánh giá dựa trên 8 tiêu chí, gồm: Tinh thần khởi nghiệp, sự ổn định kinh tế, chính sách thuế thuận lợi, sự sáng tạo, lao động có tay nghề, chuyên môn về công nghệ, sự năng động và vấn nạn tham nhũng. Theo U.S. News & World Report, những cải cách chính sách kinh tế đã giúp Việt Nam trở thành một quốc gia cạnh tranh và hiện đại hơn.

Soi chiếu với những nỗ lực, kết quả đạt được của nền kinh tế trong 9 tháng qua, có thể thấy đánh giá, xếp hạng của U.S. News & World Report có những điểm tương đồng rõ rệt. Cụ thể, bức tranh kinh tế - xã hội trong quý III và 9 tháng năm 2019 rất tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng ước đạt 6,98%, mức cao nhất so với cùng kỳ của 9 năm qua. Giải ngân vốn FDI 9 tháng ước đạt 14,22 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018. Nền kinh tế phát triển ổn định còn giúp có thêm gần 102.300 doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng, với vốn đăng ký bình quân tăng mạnh, đạt 12,6 tỷ đồng/doanh nghiệp, mức cao nhất trong những năm trở lại đây. Tính riêng trong tháng 9-2019, cả nước có 11.787 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 140.200 tỷ đồng, tăng 5,5%. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, với kết quả trên, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đã tiếp tục đạt kỷ lục mới.

Không chỉ vậy, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III-2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy: Có 43,3% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý trước; 38,4% cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và chỉ có 18,3% đánh giá gặp khó khăn. Nhận định về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV-2019, có 52,1% số doanh nghiệp cho rằng sẽ tốt lên; 35,8% cho rằng ổn định và chỉ 12,1% dự báo khó khăn hơn. Đáng lưu ý, 90,1% số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV-2019 của Việt Nam tốt hơn và giữ ổn định; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước lần lượt là 82,8% và 87,5%.

Hẳn các nhà đầu tư nước ngoài sẽ càng vững tâm rót vốn, mở rộng sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam khi đón nhận những thông tin tích cực này.

Kết quả đạt được, niềm tin của các nhà đầu tư không tự nhiên đến, mà từ sự nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị trong việc tiếp tục thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, người dân và đòi hỏi từ hội nhập kinh tế quốc tế. Ngay từ đầu năm, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 đã được Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả".

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, hàng loạt giấy phép con, thủ tục rườm rà đã bị cắt bỏ. Tiếng kêu ca, phàn nàn, phản ánh của người dân, doanh nghiệp về hành vi gây khó dễ, nhũng nhiễu, vòi vĩnh tại các cơ quan công sở giảm dần, nhất là khi Đề án văn hóa công vụ ngày càng ngấm sâu vào cuộc sống, tạo ra thói quen, nếp làm việc mới lấy sự hài lòng của người dân là mục tiêu hàng đầu. Không chỉ môi trường sống, môi trường sản xuất kinh doanh thay đổi tích cực, hàng loạt vụ việc tham nhũng tiếp tục được đưa ra ánh sáng, xét xử nghiêm minh thời gian qua càng bồi đắp niềm tin của người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Tất cả góp phần làm tăng nội lực quốc gia, thêm sức hấp dẫn, thu hút đầu tư vào Việt Nam.

Kết quả đó được người dân hoan nghênh, đón nhận, cộng đồng quốc tế khẳng định và cần được tiếp tục phát huy mạnh mẽ trong thời gian tới nhằm sớm đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra. Nói khái quát: Nội lực tăng, sức hấp dẫn đầu tư sẽ tiếp tục tăng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng nội lực để hấp dẫn đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.