Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng nhận thức, tăng đầu tư

Liên Nhi| 20/10/2019 06:50

(HNM) - Quá tải bệnh viện tuyến trên là một trong những vấn đề nan giải của ngành Y tế. Trong khi đó, mô hình bác sĩ gia đình góp phần giảm tải cho cơ sở y tế tuyến trên, giảm gánh nặng kinh tế cho bệnh nhân nói riêng và xã hội nói chung. Bác sĩ gia đình cũng bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người bệnh; thực hiện quản lý bệnh án đối với người bệnh mạn tính, qua đó tăng hiệu quả điều trị.

Đặc biệt, trong bối cảnh bệnh mạn tính không lây nhiễm (huyết áp, tim mạch, ung thư, đái tháo đường…) đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, thì các trung tâm, phòng khám bác sĩ gia đình, trạm y tế có hoạt động bác sĩ gia đình càng phát huy hiệu quả trong chăm sóc và điều trị bước đầu, giảm thiểu tình trạng bệnh nhân nguy kịch chuyển lên tuyến trên chữa trị.

Với ý nghĩa đó, mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình đã được Bộ Y tế triển khai thí điểm từ năm 2013, tại 26 trạm y tế thuộc 8 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội. Là địa phương triển khai thí điểm của Hà Nội, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn được ngành Y tế đánh giá là điểm sáng của cả nước, khi triển khai thành công mô hình này ở toàn bộ 26 trạm y tế xã, thị trấn và 5 phòng khám đa khoa trên địa bàn huyện. Ngoài ra, các quận Ba Đình, Nam Từ Liêm cũng đang thực hiện khá tốt mô hình này, được người dân đón nhận.

Trên cơ sở kết quả đã đạt được, ngày 25-6-2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 143/KH-UBND về “Nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình trên địa bàn thành phố”. Mục tiêu được đặt ra là hết năm 2019 đạt tối thiểu 45% trạm y tế theo mô hình điểm của Bộ Y tế; đến năm 2020 và năm 2021, nâng tỷ lệ này lên 80% và 100%.

Dù vậy, nhìn chung, mô hình bác sĩ gia đình đến thời điểm này còn nhỏ lẻ, hoạt động tản mạn, tính hiệu quả chưa cao.

Để mô hình này mở rộng, phát triển, ngành Y tế và các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình hoàn toàn có thể quản lý, điều trị bệnh mạn tính không lây nhiễm một cách hiệu quả và ít tốn kém.

Cùng với đó, cần đầu tư mạnh mẽ để nâng số lượng và chất lượng đội ngũ bác sĩ gia đình. Trước mắt, phải thực hiện nghiêm quy định về việc cử luân phiên các bác sĩ tuyến trung ương và tỉnh, thành phố xuống làm việc và hỗ trợ công tác chuyên môn cho các trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã 1-2 lần/tuần. Bên cạnh đó, tiếp tục có đánh giá toàn diện để triển khai rộng rãi hoạt động y học gia đình, mô hình bác sĩ gia đình ra nhiều địa phương hơn nữa, thay vì 8 tỉnh, thành phố như hiện nay.

Ngành Y tế cũng cần phối hợp với ngành Bảo hiểm xã hội để nâng mức thanh toán bảo hiểm y tế với các dịch vụ kỹ thuật tại trạm y tế từ 70% theo quy định hiện hành lên mức 100%, tránh phân biệt đối xử giữa các trạm y tế với các trung tâm y tế, bệnh viện.

Với các địa phương, việc ưu tiên rà soát, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, máy móc cho các trạm y tế cần được quan tâm. Đặc biệt, cần đưa dự toán ngân sách y tế trong hoạt động khám sàng lọc và quản lý sức khỏe toàn diện của người dân vào dự toán ngân sách hằng năm của xã, phường, thị trấn, để địa phương chủ động triển khai công việc.

Hiệu quả của mô hình bác sĩ gia đình là rất rõ ràng. Tuy nhiên, để triển khai mô hình này cho gần 600 trạm y tế trên địa bàn Thủ đô nói riêng và gần 11.000 trạm y tế trên cả nước nói chung, rất cần sự thay đổi nhận thức của người bệnh và người nhà bệnh nhân; cùng sự đầu tư mạnh mẽ về con người và cơ sở vật chất của các cấp chính quyền cũng như cơ quan quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng nhận thức, tăng đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.