Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần định hướng của gia đình, nhà trường

Gia Khánh| 22/10/2019 06:25

(HNM) - Ngày nay, việc sinh viên vừa học vừa tranh thủ tìm việc làm thêm ngoài giờ học khá phổ biến. Đây là nhu cầu chính đáng của sinh viên để có thêm thu nhập trang trải chi phí ăn học, nhất là với những sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đồng thời nhằm rèn giũa kiến thức đã học, cải thiện kỹ năng sống, giao tiếp, ứng xử, kinh nghiệm làm việc... chuẩn bị cho giai đoạn tốt nghiệp, ra trường sau này.

Thực tế, việc vừa học vừa làm đã giúp phần lớn sinh viên hoàn thiện bản thân, năng động, tự tin hơn khi tham gia các hoạt động ngoại khóa của nhà trường. Đặc biệt, việc đi làm thêm góp phần giúp sinh viên không bị sa vào tệ nạn, những cám dỗ tiêu cực từ xã hội, từ đó có tư duy, lối sống lành mạnh, tích cực hơn.

Tuy nhiên, mặt trái và hệ lụy của việc sinh viên làm thêm cũng không ít. Trước hết, nếu không phân phối thời gian hợp lý, làm thêm - vốn là công việc phụ, có thể ảnh hưởng đến học tập - nhiệm vụ chính của sinh viên. Mặt khác, hầu hết công việc sinh viên đảm nhận mang tính thời vụ nên thù lao thường thấp; các quyền lợi cũng ít hơn so với các nhóm lao động khác.

Sinh viên là những người trẻ, suy nghĩ nhiều khi chưa đủ chín chắn, nên việc sớm va chạm với những mặt tiêu cực từ xã hội mà không được định hướng kịp thời, cũng là nguy cơ ảnh hưởng đến hành vi, lối sống. Nguy hiểm hơn, sinh viên dễ trở thành đối tượng tấn công của tội phạm, mà vụ việc một nam sinh viên làm “xe ôm công nghệ” bị giết, cướp tài sản mới đây là ví dụ. 

Điều đó cho thấy không thể để sinh viên làm thêm là việc tự phát, mà cần có định hướng, hướng dẫn từ phía gia đình và nhà trường, để hạn chế những tác động tiêu cực, mặt trái của hoạt động này.

Trước hết, mỗi sinh viên phải nhận thức rõ học tập là nhiệm vụ chính; tự tìm hiểu kỹ lưỡng công việc định làm; nên cân nhắc, chọn việc phù hợp với ngành học để công việc có thể hỗ trợ cho học tập và ngược lại, đem kiến thức học được phục vụ cho công việc. Song, dù chọn việc gì, bản thân mỗi sinh viên phải tự cân đối thời gian lên lớp, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý.

Cùng với đó, sinh viên phải tự trang bị các kỹ năng sống trước những tác động từ xã hội. Rất tiếc, việc giáo dục lối tư duy độc lập và kỹ năng sống ở các cấp học phổ thông đang còn xem nhẹ, nên phần lớn sinh viên yếu kỹ năng này. Không ít sinh viên chưa xác định được mục đích đi làm thêm, mà tham gia theo phong trào. Vì vậy, gia đình không thể phó mặc con, em mình muốn làm gì thì làm, mà nên cùng tìm hiểu về công việc định làm; phân tích thêm về những tác động đến việc học tập, nguy cơ rủi ro gặp phải… để hỗ trợ các em lựa chọn công việc, sắp xếp lịch học tập, làm việc hợp lý và có sự giám sát kịp thời khi cần.

Nhà trường, thông qua Hội Sinh viên, nên tổ chức các hoạt động thiết thực, như kết nối doanh nghiệp với sinh viên, hỗ trợ sinh viên tìm việc làm phù hợp; khuyến cáo về ưu - nhược điểm khi làm thêm; nhắc nhở các em không sao nhãng học tập… Thực tế mô hình kết nối nhà trường - doanh nghiệp, giới thiệu việc làm cho sinh viên mà một số trường đã làm cho thấy rõ tính hiệu quả. Thông qua sự bảo lãnh của nhà trường, sinh viên có cơ hội chọn việc phù hợp ngành nghề đào tạo, thời gian lên lớp, yên tâm hơn với việc học và làm thêm; các đơn vị sử dụng lao động tiếp cận nguồn nhân lực phù hợp, có chất lượng trước mắt và cả lâu dài khi sinh viên ra trường. 

Cũng cần nói thêm là hiện nay, phong trào khởi nghiệp sáng tạo đã lan rộng trong các nhà trường và sinh viên. Nhiều ý tưởng khởi nghiệp hay của sinh viên đã nhận được sự đầu tư, hỗ trợ phát triển. Đây là những nhân tố quan trọng để sinh viên không chỉ có việc làm mà có thể vươn lên làm chủ doanh nghiệp.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần định hướng của gia đình, nhà trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.