Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ưu tiên đầu tư cho nơi khó khăn

Duy Biên| 24/10/2019 06:30

(HNM) - Trong những năm gần đây, ngành Giáo dục và Đào tạo của Hà Nội rất chú trọng đầu tư để nâng cao chất lượng dạy và học ở cả khu vực nội thành và ngoại thành. Đội ngũ nhà giáo Thủ đô đã phát triển mạnh cả về lượng và chất. Tuy nhiên, hiện chất lượng giáo dục của trường phổ thông cơ sở ở các quận và huyện vẫn còn khoảng cách cần thu hẹp.

Minh chứng cho điều này là số điểm chuẩn đầu vào lớp 10 năm học 2019-2020 tại hai khu vực này có sự cách biệt rõ rệt. Trong số 112 trường trung học phổ thông công lập của Hà Nội có 23 trường có điểm tuyển sinh lớp 10 trên 40 điểm và những trường này thuộc các quận vùng lõi đô thị như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa... Trong khi điểm chuẩn cao nhất ở khu vực nội thành lên tới 48,75 điểm (Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, quận Tây Hồ) thì 3 trường trung học phổ thông: Đại Cường (huyện Ứng Hòa), Mỹ Đức C (huyện Mỹ Đức) và Minh Quang (huyện Ba Vì) có điểm chuẩn chỉ là 16... Những con số khách quan này cho thấy, chất lượng "nguồn" học sinh của các trường trung học cơ sở ở khu vực ngoại thành còn nhiều hạn chế.

Thực trạng trên đã diễn ra nhiều năm nay, mà một trong những nguyên nhân chính là điều kiện dạy và học ở khu vực nội thành và ngoại thành chưa đồng đều, nhất là ở một số huyện còn nhiều khó khăn. Mặc dù được thành phố quan tâm đầu tư, nhưng do điều kiện kinh tế - xã hội chưa cao nên học sinh vùng nông thôn của Thủ đô vẫn chưa thể có môi trường học tập tốt như mong muốn. Ngoài ra, học sinh ở vùng ngoại thành phần lớn chỉ học một buổi ở trường, trong khi đó, do đời sống khó khăn nên phụ huynh ít có điều kiện chăm lo, quan tâm đến việc học tập của con em... Chưa kể, nhiều trường vẫn coi trọng “bệnh thành tích” nên chất lượng học tập của học sinh chưa thực chất.

Hà Nội hiện có gần 650 trường trung học cơ sở (gồm cả trường liên cấp), với hơn 450.000 học sinh. Để tăng cường nguồn lực đầu tư, bảo đảm công bằng trong giáo dục, trước tiên ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần tập trung ưu tiên đầu tư cho các địa phương còn khó khăn, từng bước giảm sự chênh lệch về phát triển giáo dục giữa các vùng, miền của Thủ đô.

Muốn vậy, trước mắt, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố cần rà soát, chuẩn hóa đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học ở khu vực ngoại thành, trong đó chú trọng xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Qua đó, học sinh có điều kiện học tập tốt hơn, có cơ hội tiếp cận với thiết bị dạy học hiện đại, giúp học sinh dễ dàng tiếp thu bài học hơn. Mặt khác, cần tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá theo hướng thực chất để loại bỏ “bệnh thành tích”.

Một trong những yếu tố có vai trò quyết định đến chất lượng giáo dục chính là đội ngũ giáo viên. Vì vậy, để chất lượng giáo viên giữa các vùng, miền tương đối đồng đều, ngành Giáo dục và các nhà trường cần tạo điều kiện hỗ trợ đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng chuyên môn, tiếp cận với phương pháp quản lý, giảng dạy mới, hiệu quả. Về phía gia đình, phụ huynh học sinh cũng cần quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho con em mình, khơi dậy ý chí học tập, có khát vọng thay đổi cuộc sống...

Trên nền tảng cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn và kỹ năng vững vàng, khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa địa bàn quận và huyện của Thủ đô sẽ dần ngắn lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ưu tiên đầu tư cho nơi khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.