Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Bệ phóng” cho chính quyền đô thị

Thế Đan| 30/10/2019 06:25

(HNM) - Nội thành Hà Nội là nơi tập trung đông dân cư với mật độ dân số rất cao, nên việc quản lý nhà nước về mọi lĩnh vực ở các quận, thị xã luôn phức tạp hơn nhiều so với khu vực nông thôn. Đặc biệt, mô hình tổ chức và thực tiễn quản lý điều hành những năm qua cho thấy có nhiều bất cập. Trong đó nổi lên là vai trò quyết định và giám sát của HĐND các cấp chưa được phát huy đúng mức. Năng lực quản lý điều hành, tổ chức thực hiện của UBND các cấp còn nhiều yếu kém... Thực tiễn đó đòi hỏi cần sớm có thể chế tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị phù hợp.

Hiến pháp năm 2013 đã xác định cần xây dựng mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn để thích ứng với điều kiện phát triển mới. Trên cơ sở đề xuất của thành phố Hà Nội về triển khai Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7-11-2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020", ngày 19-4-2019, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 46-KL/TƯ đồng ý cho Thủ đô Hà Nội triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận.

Triển khai thực hiện chủ trương trên, thời gian qua thành phố Hà Nội đã phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Đề án này được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, có sự phối hợp với các cơ quan tư vấn, các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực này. Trên cơ sở đó, tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã có tờ trình đề nghị Quốc hội xem xét cho thông qua dự thảo Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại 177 phường của các quận, thị xã thuộc thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là bước đầu tiên để thực hiện mô hình chính quyền đô thị, được nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều chuyên gia về quản lý đô thị cho là sẽ khắc phục những bất cập trong quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, đồng thời phát huy tối đa thế mạnh của Thủ đô trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đến thời điểm này, có hai vấn đề lớn, cơ bản mà mô hình thí điểm chính quyền đô thị đã đặt ra để giải quyết. Đó là: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm để nâng cao tính tự chủ cho chính quyền trong quản lý, phát triển đô thị; thiết kế mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, nhưng bảo đảm tập trung, thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý.

Cùng với đó, thành phố Hà Nội cũng đã, đang triển khai đồng bộ nhiều công việc quan trọng khác, như từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuẩn hóa, chuyên nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh lấy người dân làm trung tâm... Một chính quyền tinh gọn, hiệu quả, phát huy dân chủ, mở rộng sự tham gia của đại diện cộng đồng dân cư với chính quyền đã, đang từng bước hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.

Bên cạnh đó, trong quá trình thí điểm, thành phố, quận, thị xã nói chung và 177 phường thuộc diện thí điểm nói riêng sẽ thường xuyên rà soát, đánh giá các mặt tích cực và những tồn tại, từ đó có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế cuộc sống, phục vụ người dân, doanh nghiệp hiệu quả hơn...

Tin tưởng rằng, việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại quận, thị xã thuộc thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ là “bệ phóng” đầu tiên giúp từng bước quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, qua đó tiếp tục là chính quyền "của dân, do dân, vì dân", trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bệ phóng” cho chính quyền đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.