Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng đến sự chuyên nghiệp

Duy Biên| 22/11/2019 06:27

(HNM) - Là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển du lịch, nguồn nhân lực du lịch luôn là vấn đề được thành phố Hà Nội quan tâm. Rõ nhất là tại Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo" đã nêu rõ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là giải pháp trọng tâm để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô. Có thể thấy, hơn 3 năm qua, thành phố Hà Nội đã có những quyết sách, hướng đi hiệu quả nhằm tăng sức cạnh tranh, tạo sự bứt phá cho ngành Du lịch Thủ đô.

Hiện nay, so với mặt bằng chung của cả nước, chất lượng nguồn nhân lực du lịch Hà Nội được bảo đảm và không ngừng được nâng lên. Trong giai đoạn 2016-2019, số lượng lao động trực tiếp toàn ngành Du lịch Hà Nội có khoảng 90.500 người, chiếm khoảng 11% lực lượng lao động toàn ngành Du lịch Việt Nam. Ước tính năm 2019, số lượng lao động này được qua đào tạo đạt tỷ lệ 90%. Mặc dù vậy, nguồn nhân lực của du lịch Thủ đô vẫn chưa theo kịp sự vận động và tốc độ phát triển của ngành Du lịch.

Dẫn chứng là, hiện lao động trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng chiếm đến 80% tổng số lao động ngành, nhưng lại thiếu trầm trọng những người được đào tạo nghiệp vụ ở trình độ cao. Thực tế cũng cho thấy, đội ngũ làm quản lý ở các khách sạn cao cấp hầu hết là người nước ngoài. Trong khi đó, nguồn nhân lực đã qua đào tạo còn hạn chế về kỹ năng nghề và khả năng ngoại ngữ. Thậm chí, nhiều nhân viên sau khi được tuyển dụng dù đã qua đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, nhưng doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung...

Du lịch Hà Nội đang có bước tăng trưởng vượt bậc, do đó thời gian tới nhu cầu về nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng sự phát triển du lịch Thủ đô sẽ gia tăng.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Du lịch, thực hiện chuẩn hóa theo tiêu chuẩn của khu vực và trên thế giới, thành phố cần có cơ chế hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý du lịch như tổ chức tập huấn, đào tạo tại các cơ sở trong và ngoài nước hoặc mời chuyên gia nước ngoài đào tạo, tập huấn tại Hà Nội. Cùng với đó, cần chú trọng tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa - du lịch các quận, huyện, thị xã; tiếp tục nâng cao nhận thức, khả năng giao tiếp, thái độ ứng xử văn hóa, văn minh của cộng đồng dân cư tại các điểm đến du lịch...

Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng phải chú trọng ngay từ các cơ sở đào tạo về du lịch. Trong đó, giải pháp hiệu quả là các nhà trường cần tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp làm du lịch trong việc nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên, học sinh. Điều đó không chỉ bảo đảm “đầu ra” phong phú cho người học mà còn giúp doanh nghiệp tuyển dụng được lao động có năng lực phù hợp yêu cầu thực tế mà không tốn thời gian thử việc và không phải đào tạo lại nhân lực sau tốt nghiệp.

Là một ngành có tính đặc thù cao, đòi hỏi có sự chuyên nghiệp, do vậy nguồn nhân lực du lịch phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu như nền tảng văn hóa, kiến thức, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp và bản lĩnh nghề nghiệp… Do vậy, bản thân những người hoạt động trong lĩnh vực này cũng phải không ngừng học hỏi nâng cao trình độ, nhất là trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt như hiện nay.

Chất lượng của nguồn nhân lực du lịch được coi là nguồn lực “nội sinh” trong mỗi sản phẩm du lịch của Thủ đô. Chỉ khi phát triển nguồn nhân lực được quan tâm đúng, hướng đến sự chuyên nghiệp mới phát huy được thương hiệu và chất lượng của du lịch Thủ đô trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đến sự chuyên nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.