Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Bắt tay” cùng phát triển

Đình Hiệp| 01/12/2019 06:35

(HNM) - Du lịch và hàng không là hai ngành kinh tế luôn có mối liên quan trực tiếp, hỗ trợ cùng phát triển. Các hãng hàng không mở thêm chuyến bay không ngoài mục đích là tạo điều kiện cho du lịch phát triển qua việc mở thêm tour, tuyến, sản phẩm du lịch. Ngược lại, yếu tố tiên quyết khiến các hãng hàng không mở đường bay mới là nhằm kích cầu du lịch phát triển.

Với Hà Nội, việc đẩy mạnh kết nối giữa hàng không và du lịch để khai thác những lợi thế của “một trong 50 thành phố đẹp nhất thế giới” mà du khách quốc tế khó có thể bỏ qua càng có ý nghĩa quan trọng. Đây cũng là một trong những trọng tâm ưu tiên hàng đầu của các cấp, ngành chức năng của Hà Nội thời gian qua nhằm kích cầu "ngành công nghiệp không khói".

Với những nỗ lực đó, trong 11 tháng năm 2019, khách du lịch đến Hà Nội tăng trưởng khá, ước đạt 26,34 triệu lượt, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 6,023 triệu lượt, tăng 12%.

Điều đáng nói, khoảng 80% du khách quốc tế đến Hà Nội bằng đường hàng không, mà cụ thể ở đây là qua sân bay Nội Bài. Điều đó càng cho thấy vai trò không thể thiếu của ngành hàng không trong việc mở cửa thị trường điểm đến cũng như kết nối du lịch quốc tế với Hà Nội. Không đơn giản là phương tiện chuyên chở hành khách, ngành hàng không còn tạo dấu ấn quan trọng với du khách quốc tế từ cái nhìn đầu tiên về văn hóa, con người Hà Nội trên mỗi chuyến bay.

Dù có mối quan hệ mật thiết như vậy, song thực tế thời gian qua cho thấy “cái bắt tay” giữa hai ngành vẫn còn lỏng lẻo khiến thị trường du lịch hấp dẫn của Hà Nội chưa được khai thác hết tiềm năng. Ngành hàng không chưa thực sự quan tâm, kết nối với các công ty lữ hành của Hà Nội trong việc thu hút du khách quốc tế. Sự kết nối này chỉ xuất hiện khi bắt đầu phát động thị trường, còn khi đường bay đã mở, thị trường đã đi vào hoạt động thì mối liên kết lại trở nên không bền chặt.

Để ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục chinh phục những con số kỷ lục mới về thu hút lượng khách quốc tế, thì “cái bắt tay” giữa các hãng hàng không và công ty lữ hành cần siết chặt hơn nữa, đặc biệt là việc kết nối để tạo thành một chuỗi dịch vụ hoàn chỉnh dành cho du khách quốc tế đến Hà Nội.

Từ lợi thế về hạ tầng khi sân bay Nội Bài vừa được điều chỉnh quy hoạch, nâng công suất phục vụ khoảng 100 triệu lượt khách/năm, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng sân bay, dịch vụ mặt đất... nhằm đáp ứng nhu cầu mở đường bay mới hoặc gia tăng tần suất bay từ các thành phố trên thế giới tới Hà Nội. Việc mở các đường bay thẳng, không phải quá cảnh sẽ giúp du khách quốc tế thuận tiện hơn khi chọn Hà Nội làm điểm đến.

Để ngành Du lịch Thủ đô phát triển bền vững cả trước mắt cũng như lâu dài thì chính những người làm du lịch, công ty lữ hành cần chủ động đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Cùng với đó là xây dựng các điểm đến hấp dẫn, nâng cao chất lượng dịch vụ tour, tuyến, lưu trú... để du khách quốc tế ở lại Hà Nội lâu hơn và sẽ quay trở lại nhiều lần nữa.

Hà Nội cũng có thể tận dụng triệt để đề án về “Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch” được Chính phủ thông qua ngày 22-1-2019 vừa qua, để thu hút các hãng hàng không mở đường bay, tăng tần suất bay giữa Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung với các thị trường du lịch trọng điểm.

Mối quan hệ tương hỗ, "cộng sinh" không thể tách rời giữa hàng không và du lịch đem lại lợi ích cho cả hai bên. Đặc biệt, “cái bắt tay” giữa du lịch và hàng không trong việc xây dựng sản phẩm du lịch chung sẽ góp phần tiết giảm chi phí cho du khách. Có như vậy, Hà Nội mới trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách quốc tế và du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn không chỉ của Hà Nội mà với cả nước.     

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Bắt tay” cùng phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.