Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chia sẻ trách nhiệm

Thế Đan| 15/12/2019 06:37

(HNM) - “Đến hẹn lại… lo” là tâm lý chung của các nhà quản lý, người dân về tình hình giao thông ở Thủ đô Hà Nội vào dịp cuối năm và Tết đến, xuân về. Trong đó, lực lượng chức năng phải bố trí thêm nhân lực, căng mình phân luồng, tìm thêm giải pháp để giảm thiểu ùn tắc; còn người dân lo đi đường nào, giờ nào để có thể đến đích sớm nhất và bảo đảm an toàn…

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này có nhiều, song chủ yếu là do lượng phương tiện tham gia giao thông tăng mạnh để phục vụ nhu cầu giao thương cuối năm. Thêm vào đó, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, chở hàng cồng kềnh… cũng vào dịp “trăm hoa đua nở”. Chưa kể, việc thi công một số công trình giao thông cũng góp phần làm ùn tắc gia tăng.

Với thực trạng này, nếu không tuân thủ nghiêm quy định của Luật Giao thông đường bộ thì tình trạng ùn tắc sẽ càng phức tạp. Do đó, vấn đề đặt ra trước mắt là phải có các giải pháp quyết liệt để sớm khắc phục tình trạng trên. Và không có lựa chọn nào tốt hơn là các cấp quản lý, chủ thể tham gia giao thông cần chung tay, chia sẻ trách nhiệm ngay từ những hành động nhỏ nhất.

Cụ thể là cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1658/CĐ-TTg ngày 9-12-2019 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội Xuân 2020. Trong đó, việc cần làm ngay với lực lượng chức năng của thành phố là tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; chú ý tới các hành vi dừng, đỗ không đúng nơi quy định, không đi đúng phần đường, làn đường và không nhường đường cho xe sau xin vượt theo quy định...

Tiếp tục có phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông; bố trí lực lượng kịp thời giải tỏa khi xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông, không để phát sinh ùn tắc kéo dài, nhất là trong ngày gần Tết và sau đợt nghỉ Tết trên các tuyến trục chính ra - vào thành phố; các tuyến kết nối với các đầu mối giao thông trọng điểm (bến xe, nhà ga, sân bay...).

Cùng với đó là thực hiện nghiêm đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông do Công an thành phố Hà Nội đang thực hiện. Đặc biệt, không để xảy ra ùn tắc tại các trạm thu phí; chủ động mở barie để giải tỏa phương tiện khi xảy ra tắc đường. Các đơn vị liên quan cần thường xuyên rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông phù hợp với lưu lượng thực tế, cố gắng không để xảy ra ùn tắc kéo dài trên 30 phút theo chỉ đạo của Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội.

Về phía các đơn vị thi công và bảo trì kết cấu hạ tầng, cần có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố, hoàn thành nhanh việc nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm khu vực nội đô và sớm trả lại mặt bằng giao thông trước ngày 10-1-2020 để việc đi lại của người dân được thuận tiện.

Đối với các phường thuộc 12 quận có những tuyến giao thông huyết mạch, bến tàu - xe… lực lượng chức năng cần yêu cầu chủ doanh nghiệp, cửa hàng không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và sắp xếp thời gian giao nhận hàng hóa tránh giờ cao điểm để hạn chế ùn tắc giao thông; đồng thời, phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Mọi giải pháp sẽ chỉ là tình thế nếu ý thức của người tham gia giao thông không được cải thiện. Nếu mỗi người dân đều nêu cao ý thức tuân thủ quy tắc, chấp hành hiệu lệnh giao thông, nhường nhịn nhau để cùng đi lại thuận tiện, thì sẽ góp phần giảm thiểu những điểm ùn tắc trong thành phố. Hay nói cách khác, phải nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, rèn ý thức “văn hóa giao thông”, thì tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội mới có thể được cải thiện tốt hơn. Khi đó chúng ta mới không phải bận tâm nỗi lo ùn tắc giao thông vào dịp cuối năm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chia sẻ trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.