Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lành mạnh hóa không gian mạng

Liên Nhi| 03/03/2020 06:25

(HNM) - Việc ban hành Luật An ninh mạng (trung tuần tháng 6-2018) được các chuyên gia công nghệ thông tin, cộng đồng doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin và đông đảo người sử dụng internet đánh giá là động thái cần thiết giúp bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên không gian mạng.

Cùng với đó là bảo đảm an toàn cho người dùng trước những nguy cơ tiềm ẩn trong môi trường mạng hiện nay.

Thực tế hơn một năm qua, kể từ khi luật có hiệu lực thi hành (từ ngày 1-1-2019), cho thấy, môi trường mạng - không gian mạng không còn bị thả nổi. Không còn tình trạng doanh nghiệp, cá nhân bị cộng đồng “ném đá” trên mạng xã hội tơi tả một cách oan uổng, vô lối. Cũng chưa thấy phản ánh nào về sự lạm quyền của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng…

Điều đó khẳng định Luật An ninh mạng đang từng bước đi vào cuộc sống. Quan trọng hơn, luật đã bước đầu bảo đảm tôn trọng sự tự do của cá nhân trên không gian mạng, đồng thời răn đe, xử lý nghiêm những hành vi xâm phạm, làm tổn hại đến lợi ích của cộng đồng, xã hội và cá nhân người dùng.

Như trong 2 tháng đầu năm nay đã có 200 trường hợp bị cơ quan công an triệu tập, trong đó có hơn 30 trường hợp bị xử phạt hành chính đưa tin sai sự thật về dịch Covid-19 trên Facebook. Chỉ có 16 người mắc Covid-19 nhưng số người lên mạng xã hội đưa tin không chính xác, sai sự thật là 200. Con số này cho thấy, nếu không có sự can thiệp kịp thời, kiên quyết của cơ quan chức năng thì những "hung tin" bịa đặt trên sẽ tác động không nhỏ đến cuộc sống của người dân.

Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai hiệu quả, đưa Luật An ninh mạng đi sâu vào cuộc sống hơn nữa, vấn đề đầu tiên cần thực hiện là liên bộ Công an - Thông tin và Truyền thông phối hợp xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật. Luật An ninh mạng đã có hiệu lực hơn một năm nhưng chưa có văn bản dưới luật nên đã gây khó khăn trong việc xử lý các đối tượng vi phạm. Đơn cử như việc xử lý các đối tượng tung tin sai sự thật về dịch Covid-19, các cơ quan chức năng đã phải vận dụng, dẫn chiếu Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Song song đó, các cơ quan quản lý nhà nước về an ninh mạng, cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia cần tiếp tục phối hợp với mạng xã hội Facebook và công cụ tìm kiếm Google, siết chặt quản lý, ngăn chặn, xóa bỏ nạn tin giả, các thông tin tiêu cực, sai sự thật, thậm chí là vu khống, bịa đặt và các sản phẩm có nội dung xấu, độc xuất hiện trên nền tảng của 2 “ông lớn” công nghệ mạng này.

Với các doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin, do nguồn vốn và năng lực công nghệ hạn chế, nên việc liên kết là bước đi cần thiết để tham gia lĩnh vực an toàn, an ninh mạng. Nếu trong số gần 100 doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng của Việt Nam hiện nay có một thủ lĩnh làm “đầu tàu” kèm với hướng đi đúng, sẽ vừa tạo ra doanh thu đáng kể vừa không để lọt “trận địa” an toàn, an ninh mạng vào tay các hãng công nghệ nước ngoài.

Về phía người dân, cần nâng cao nhận thức, tỉnh táo khi tham gia không gian mạng. Chỉ khi đó mới tận dụng được ưu thế, các điểm tích cực đồng thời cảnh giác, tự xây dựng “màng lọc” trước các tin xấu, độc trên internet.

Việt Nam đang chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Do đó, lành mạnh hóa không gian mạng và nâng cao năng lực quốc gia về an toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết để xây dựng chính phủ điện tử, phát triển mạnh mẽ kinh tế số. Qua đó, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý của Nhà nước; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như bảo đảm an toàn cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lành mạnh hóa không gian mạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.