Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiều bào chung sức xây dựng quê hương

Quỳnh Dương| 09/02/2019 06:39

(HNM) - Trong số hơn 4,5 triệu bà con kiều bào đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, mỗi người đều có những hoàn cảnh khác nhau và lập nghiệp với những điều kiện không giống nhau, nhưng tất thảy từ sâu thẳm những trái tim mang dòng máu Lạc Hồng, quê hương Việt Nam vẫn luôn là “mẫu số chung” bất biến.

Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 là một nhịp cầu gắn kết tri thức Việt Nam và thế giới.


Bài 1: Như cây có cội, như sông có nguồn

Luôn dành cho Tổ quốc một tình yêu lớn lao, nhiều kiều bào đã trở về quê hương lập nghiệp dẫu biết rằng chặng đường phía trước có thể còn nhiều khó khăn. Mang theo hành trang đầy nhiệt huyết, hoài bão và những tinh hoa học hỏi được từ các nền văn minh trên thế giới, những người con của dân tộc đang ngày ngày nỗ lực góp những viên gạch hồng để hiện thực hóa “Giấc mơ Việt Nam”.

Những trái tim luôn hướng về quê hương

Có mặt tại hội nghị kết nối kiều bào với địa phương do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức vào những ngày cuối năm 2018, lắng nghe những chia sẻ xúc động mới thấy được nỗi trăn trở, khát khao được cống hiến của các kiều bào cho đất nước. Mỗi câu chuyện được kể ra đều là một hành trình trở về đầy cảm xúc.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) Nguyễn Ngọc Mỹ, một trong những kiều bào sớm trở lại quê hương đầu tư sau khi đất nước thực hiện chính sách Đổi mới, cho biết, trong thời gian định cư và làm việc tại Australia, bằng những nỗ lực của mình, ông đã lập ra Công ty Xây dựng Keira Construction vào năm 1983 và có được chỗ đứng vững chắc tại nước bạn.

Tuy vậy, quê hương vẫn là nỗi niềm đau đáu đối với doanh nhân gốc Hà Tĩnh. Ông luôn mong mỏi một ngày nào đó có thể trở về quê hương và điều đó đã đến như phép nhiệm màu. Năm 1993, sau nhiều lần về nước khảo sát thị trường và kêu gọi hợp tác đầu tư, ông quyết tâm gác lại sự nghiệp thành đạt ở xứ người để về nước thành lập Công ty Dịch vụ kỹ thuật xây dựng Việt Nam - Australia (VABIS Group).

Đây là một trong những công ty đầu tư về xây dựng đầu tiên 100% vốn nước ngoài do ông Nguyễn Ngọc Mỹ làm Tổng Giám đốc. Hiện VABIS Group đã có đến 15 công ty thành viên hoạt động đa ngành nghề. Không chỉ thành công trong kinh doanh, vị kiều bào Australia còn được biết đến như một thành viên sáng lập BAOOV - nơi gắn kết các doanh nhân kiều bào để cùng hợp tác, phát triển và làm giàu cho quê hương.

“Kiều bào là vệ tinh, là đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Việc kết nối trí thức và doanh nghiệp kiều bào để cùng đóng góp tài chính, trí lực, kinh nghiệm vào các ngành kinh tế mũi nhọn cũng là một kênh hiệu quả giúp đất nước ngày càng đi lên”, ông Nguyễn Ngọc Mỹ nói.

Cùng chung niềm khao khát trở về để làm một điều gì đó cho Việt Nam, năm 1986, bà Phùng Kim Vy, cũng là một thành viên sáng lập BAOOV, đã thành lập một công ty du lịch ở Bắc Mỹ, tiên phong đưa bà con kiều bào trở về thăm quê nhà. Thời điểm đó, công ty của bà hoạt động rất khó khăn vì một số phần tử quá khích thường xuyên tổ chức các hoạt động chống đối, biểu tình tại các công ty du lịch bán vé về Việt Nam. Bất chấp mọi đe dọa, bà vẫn duy trì công việc của mình.

Nhắc lại những năm tháng đầy thử thách đó, nữ doanh nhân kể lại kỷ niệm bà không thể quên trong lần đưa bà con người Việt từ Canada về nước du lịch vào đầu năm 1990. Khi máy bay vừa đáp xuống Sân bay Nội Bài, bầu không khí trùng xuống trong tĩnh lặng và sự dồn nén cảm xúc của những người con xa quê lâu ngày. Bỗng có tiếng ai đó nghẹn ngào bật ra hai tiếng “mẹ ơi!” khiến tất cả không ngăn nổi dòng nước mắt.

Trở về theo tiếng gọi nguồn cội


Theo Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, trên cả nước hiện có gần 3.000 doanh nghiệp của kiều bào với tổng số vốn đăng ký đạt gần 4 tỷ USD, trong đó nhiều người đã trở lại quê hương đầu tư tại 47/65 tỉnh, thành phố.

Bên cạnh nhóm trí thức kỳ cựu như các nhà khoa học Trần Thanh Vân và Lê Văn Cường (kiều bào Pháp), Đặng Lương Mô (kiều bào Nhật Bản)... hay các doanh nhân Phạm Nhật Vượng (kiều bào Ukraine), Peter Hồng (kiều bào Australia), một thế hệ kiều bào thứ hai đang ngày càng quan tâm tới Việt Nam.

Chàng trai trẻ Daniel Hoài Tiến cũng là một ví dụ điển hình. Dù sinh ra và lớn lên ở Mỹ, song tình yêu của Daniel Hoài Tiến với quê hương lớn dần qua những lời kể của bố mẹ và sự tìm hiểu của bản thân. Anh vẫn nhớ cảm xúc lần đầu tiên về thăm Việt Nam, nhất là khi nhìn thấy bố - người đàn ông mạnh mẽ nhất của gia đình bật khóc, anh chợt nhận ra vị trí đặc biệt của Việt Nam trong trái tim mình.

Sau chuyến đi đó, Daniel Hoài Tiến trở về Mỹ và quyết tâm học tiếng Việt với mong muốn hiểu rõ hơn về văn hóa, xã hội, về con người, đất nước Việt Nam. Năm 2012, trong chuyến công tác về Việt Nam với tư cách chuyên gia tư vấn phát triển cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, trái tim chàng trai sinh năm 1988 lại thêm một lần nữa rung động mạnh vì những tình cảm nồng hậu mà bà con vùng khó khăn dành cho mình.

Đến năm 2014, Daniel Hoài Tiến quyết tâm trở về quê hương lập nghiệp. Nhưng anh không tìm cơ hội ở những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh mà lại chọn vùng khó khăn của đồng bào miền núi thuộc tỉnh Lào Cai. Giờ đây, sau 4 năm sống ở Việt Nam, Daniel Hoài Tiến đã trở thành một người Việt Nam thực thụ với vốn hiểu biết sâu sắc về dân tộc học.

Bằng kiến thức của một thạc sĩ về quản trị tài nguyên thiên nhiên, anh hướng dẫn bà con dân tộc cách chăn nuôi trồng trọt để tăng năng suất, sản lượng, nâng cao đời sống. Mong muốn của kiều bào trẻ tuổi này là đầu tư phát triển các chuỗi sản phẩm truyền thống, gắn liền bản sắc văn hóa của người dân địa phương, qua đó kể câu chuyện kết nối nông sản truyền thống Việt Nam với thế giới.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiều bào chung sức xây dựng quê hương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.