Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Nhịp cầu nối Việt Nam với thế giới

Quỳnh Dương| 10/02/2019 07:41

(HNM) - Không chỉ thúc đẩy đầu tư trong nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn trực tiếp tham gia vào tiến trình hội nhập của đất nước. Dù xa Tổ quốc nhưng trái tim họ luôn hòa chung nhịp đập cùng quê hương, hướng về cội nguồn.

Các kiều bào đưa ra nhiều sáng kiến, ý tưởng để phát triển quê hương, đất nước.


Rạng danh hai tiếng Việt Nam

Là một trong 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình Xuân quê hương 2019 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức, anh Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Quỹ vì chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hàn Quốc mang theo nhiều câu chuyện ý nghĩa về những hoạt động của tuổi trẻ Việt Nam để khẳng định vị thế của cộng đồng người Việt tại xứ sở Kim chi. Nguyễn Trung Kiên là chàng trai 4 năm liền gắn bó với những dự án nhằm giúp đỡ nâng cao đời sống cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân quần đảo Trường Sa.

Anh cho biết, trong vòng 10 năm trở lại đây, có hàng chục nghìn bạn trẻ người Việt Nam theo học tại các trường đại học của Hàn Quốc. Bằng sự quyết tâm và nỗ lực, rất nhiều trong số họ đã trở thành giảng viên, giáo sư. Có những nhà nghiên cứu trẻ tuổi với 2, 3 bằng sáng chế được Mỹ công nhận về những công trình khoa học liên quan đến công nghệ thông tin, công nghệ dược liệu, công nghệ vật liệu... Hay là những giảng viên ngôn ngữ chuyên ngành tiếng Việt tại một số trường đại học Hàn Quốc như Chongdang, Seoul…

Họ ngày ngày góp phần quảng bá văn hóa quê hương bằng ngôn ngữ Việt. Điều này là một trong những nhân tố giúp tiếng Việt trở thành một môn ngoại ngữ tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia của Hàn Quốc.

Cũng với mong muốn góp phần khẳng định tài năng Việt, Nguyễn Duy Lân, chàng trai sở hữu 9 bằng sáng chế quốc tế về công nghệ bảo mật, đã rời Microsoft Research - một bộ phận xếp hàng “tinh hoa” của một trong những đế chế phần mềm lớn nhất thế giới để thành lập Công ty Veramine chuyên làm sản phẩm an ninh mạng cao cấp vào năm 2016. Sau 2 năm phát triển, Veramine đã có lượng khách hàng ổn định từ không quân Mỹ, Bộ An ninh nội địa Mỹ và Bộ Quốc phòng Singapore...

Tin tưởng Việt Nam sẽ bắt kịp cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Nguyễn Duy Lân cho biết, hiện tại ngoài những tư vấn nhằm bảo vệ không gian mạng cho đất nước, Veramine còn triển khai những dự án miễn phí như đào tạo nguồn nhân lực, phát hiện và xử lý những sự cố bị tấn công mạng cho các cơ quan và tập đoàn lớn ở Việt Nam.

Không chỉ để lại dấu ấn trong lĩnh vực khoa học, người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là các kiều bào trẻ còn có nhiều ý tưởng nhằm duy trì và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc. Từ ý tưởng kết nối cộng đồng và vinh danh bản sắc Việt, một nhóm kiều bào cùng Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài đang tích cực triển khai dự án ''Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu''. Nguyễn Bích Yến, kiều bào Áo, người đưa ra ý tưởng xây dựng dự án này cho biết, năm 2018, Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu đã được tổ chức tại 4 nước châu Âu và dự kiến năm nay sẽ tiếp tục diễn ra ở 3 nước châu Á.

Dự án đang trong quá trình nâng cấp thành đề tài cấp Nhà nước với 3 nội dung cốt lõi: Bảo tồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở nước ngoài, tạo sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; kết nối văn hóa Việt Nam với các nền văn hóa trên thế giới; quảng bá hình ảnh, thương hiệu của Việt Nam bằng việc tổ chức lễ Giỗ tổ Hùng Vương cho bà con.

Chị Nguyễn Thị Bích Yến chia sẻ, dự án đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con kiều bào, bởi những ai xa quê đều mang trong mình nỗi niềm đau đáu được duy trì và gìn giữ văn hóa Việt ngay tại nước sở tại, nhân lên lòng tự hào dân tộc.

Cầu nối tri thức Việt Nam và thế giới

Trong tiến trình hội nhập của nước ta những năm vừa qua, vai trò của cộng đồng người Việt ở nước ngoài luôn được nhắc đến như một yếu tố quan trọng. Đây là lý do câu nói “mỗi kiều bào là một sứ giả của Việt Nam” thường xuyên được lãnh đạo Đảng và Nhà nước khẳng định trong các cuộc gặp gỡ với bà con kiều bào. Thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, hợp tác kinh tế do cộng đồng tổ chức, hình ảnh về Việt Nam ngày càng đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Đặc biệt, những năm gần đây, đóng góp về tri thức của kiều bào đã đi vào các vấn đề nóng, phù hợp với xu thế chung của thế giới và nhu cầu của Việt Nam như khởi nghiệp sáng tạo, Cách mạng công nghiệp 4.0… Theo thống kê, có khoảng 400.000 trí thức kiều bào là những nhà khoa học, chuyên gia làm việc tại các trung tâm nghiên cứu, quản lý kinh tế, tài chính ngân hàng, các công ty xuyên quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế, nhiều ngành khoa học mũi nhọn…

Nét nổi bật là các trí thức ở nước ngoài đang hình thành mạng lưới nhằm chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm trong việc xử lý các vấn đề lớn của đất nước như Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), Sáng kiến Việt Nam, VietChallenge, Hành trình Việt… Thông qua các kênh này, các chuyên gia người Việt Nam dù đang ở nước ngoài vẫn có thể đóng góp ý kiến chuyên môn phản biện, xây dựng các đề tài, dự án có ích cho đất nước phát triển và hội nhập với thế giới.

Ngoài ra, việc hình thành các tổ chức như Liên hiệp Hội người Việt Nam toàn châu Âu, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, Mạng lưới kiều bào trẻ… cũng đang hỗ trợ tích cực cho các doanh nhân kiều bào khi về nước đầu tư cũng như các doanh nhân trong nước muốn đầu tư ra nước ngoài.

Theo chuyên gia về trí tuệ nhân tạo Phạm Kim Cương, hiện đang làm việc tại thung lũng công nghệ cao Silicon (Mỹ), rất nhiều người Việt đang sống ở nước ngoài vẫn luôn hằng ngày hướng về Tổ quốc. Anh vui mừng khi chứng kiến cộng đồng kiều bào ở khắp nơi trên thế giới đang gắn kết lại cùng tham gia cống hiến cho nước nhà.

Rất ấn tượng với chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, anh Phạm Kim Cương cho biết, khởi nguồn là một nhóm nhỏ 100 thành viên, hiện mạng lưới kết nối đã mở rộng ra khắp thế giới, hợp tác giải quyết những vấn đề khó đặt ra. Anh hy vọng, Việt Nam nhanh chóng có được hàng trăm cộng đồng như thế này trong thời gian tới để một ngày nào đó hàng nghìn trí thức kiều bào sẽ cùng trở về hội tụ trong một sự kiện và cùng đưa ra những sáng kiến xây dựng quê hương.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Nhịp cầu nối Việt Nam với thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.