Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế trang trại tại Hà Nội: Gỡ vướng để phát triển

Bạch Thanh| 23/06/2021 06:12

(HNM) - Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu có 2.000 trang trại trở lên đạt chuẩn theo Thông tư số 02/2020/ TT-BNNPTNT ngày 28-2-2020 của Bộ NN&PTNT quy định tiêu chí kinh tế trang trại. Tuy nhiên, hình thức tổ chức sản xuất này còn không ít "rào cản" về chính sách đất đai, năng lực quản trị... Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô và các địa phương cần triển khai nhiều giải pháp, nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển.

Tính đến hết năm 2020, thành phố Hà Nội có 1.558 trang trại theo tiêu chí mới, đạt doanh thu 6.785 tỷ đồng. Trong ảnh: Thu hoạch trứng gà tại một trang trại chăn nuôi tiêu chuẩn VietGAP ở xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Nguyễn Quang

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Theo thống kê của Sở NN& PTNT Hà Nội, tính đến hết năm 2020, thành phố có 1.558 trang trại theo tiêu chí mới tại Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, cho doanh thu 6.785 tỷ đồng (bình quân 4,355 tỷ đồng/trang trại/năm); chưa kể còn có 10.000 gia trại ở tất cả các huyện, thị xã.

Trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh, nhưng kinh tế trang trại tại Hà Nội vẫn phát huy hiệu quả trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần bảo đảm nguồn cung nông sản cho người tiêu dùng Thủ đô; đồng thời thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn, tạo ra các vùng sản xuất tập trung, làm tiền đề cho công nghiệp chế biến nông sản…

Điển hình như trang trại chăn nuôi 80.000 con gà đẻ trứng kết hợp trồng cây cảnh của gia đình ông Hoàng Ngọc Đoàn, xã Tàm Xá (huyện Đông Anh) có quy mô 2,7ha. Nhờ tổ chức sản xuất hiệu quả, tiết kiệm tối đa các chi phí, mỗi năm, chỉ tính doanh thu từ chăn nuôi gà đẻ trứng, trang trại của gia đình ông Đoàn đạt hơn 43 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động tại địa phương. Tương tự, trang trại nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Nguyễn Đình Viện, xã Thư Phú (huyện Thường Tín) có quy mô 11ha, tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng đã và đang cho thu nhập cao (doanh thu 7,5 tỷ đồng/năm), tạo việc làm cho 20 lao động với thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng...

Huyện Sóc Sơn hiện có 171 trang trại với tổng giá trị sản phẩm hàng hóa dịch vụ mỗi năm lên tới 480 tỷ đồng. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Nguyễn Ngọc Tân cho biết, kinh tế trang trại là một trong những mũi nhọn, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, sản xuất hàng hóa, giúp nông dân trên địa bàn làm giàu từ đồng đất khó.

Tăng hàm lượng công nghệ cao

Mô hình trang trại nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông Nguyễn Đình Viện, xã Thư Phú (huyện Thường Tín) cho hiệu quả kinh tế cao (ảnh chụp ngày 2-4-2021).

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, việc phát triển kinh tế trang trại hiện nay ở Hà Nội đang gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Theo ông Nguyễn Đình Viện, xã Thư Phú (huyện Thường Tín), cơ chế chính sách về đất đai đang là “rào cản” lớn đối với phát triển kinh tế trang trại. "Đất làm trang trại hiện chủ yếu là đất thuê, đất đấu thầu nên không đủ điều kiện thế chấp vay vốn ngân hàng. Hơn nữa, đất công ích sau 5 năm thuê phải đấu thầu lại nên chưa tạo được động lực cho các chủ trang trại đầu tư phát triển sản xuất lâu dài", ông Viện bày tỏ.

Từ góc nhìn khác, ông Hoàng Ngọc Đoàn, xã Tàm Xá (huyện Đông Anh) chia sẻ, hầu hết các chủ trang trại đều tự thân học hỏi kinh nghiệm, chưa qua đào tạo bài bản nên khả năng quản lý, tổ chức sản xuất cũng như trình độ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế…

Để gỡ vướng cho các trang trại trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, huyện đang tập trung nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhất là về đất đai, vay vốn ưu đãi…, cho các trang trại lâm nghiệp kết hợp trồng cây xanh, cây công trình; trang trại trồng cây dược liệu; trang trại gắn với phát triển du lịch sinh thái. Còn theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh, một số địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, đất dành cho nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, nên việc tạo ra quỹ đất có diện tích lớn để phát triển kinh tế trang trại theo quy định của Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT (trang trại trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trang trại tổng hợp phải có tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0ha trở lên) là rất khó. Do vậy, thời gian tới, Đông Anh sẽ chú trọng phát triển mô hình trang trại ứng dụng công nghệ cao, kết hợp du lịch sinh thái.

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan, các địa phương rà soát quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp phù hợp quy hoạch chung; phấn đấu đến năm 2025 có từ 100 trang trại trở lên ứng dụng công nghệ cao, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của trang trại đạt 70%. Đối với diện tích đất công do UBND cấp xã quản lý để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản..., Sở sẽ kiến nghị thành phố có quy định cho phép các địa phương được gia hạn khi hết thời hạn thuê quyền sử dụng đất 5 năm, với điều kiện các chủ thể thuê đất làm trang trại hoạt động hiệu quả và tại thời điểm gia hạn không vi phạm quy định sử dụng đất.

“Cùng với đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ chú trọng tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ quản trị cho các chủ trang trại; lựa chọn những sản phẩm chất lượng cao của các trang trại tham gia đánh giá phân hạng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố… Một vấn đề rất quan trọng khác, đó là bản thân các chủ trang trại cũng cần đổi mới tư duy, để gia tăng hàm lượng công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi; đẩy mạnh chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu của thị trường”, ông Tạ Văn Tường thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế trang trại tại Hà Nội: Gỡ vướng để phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.