Theo dõi Báo Hànộimới trên

FED quyết định nâng lãi suất: Thị trường toàn cầu “rung lắc”

Phương Quỳnh| 16/12/2016 06:39

(HNM) - Đây là lần đầu tiên FED nâng lãi suất trong vòng một năm qua và là lần duy nhất trong năm 2016.

Chủ tịch FED Janet Yellen trong buổi công bố tăng lãi suất cơ bản.


Quyết định của FED được coi là tín hiệu khả quan, cho thấy các điều kiện tài chính của nền kinh tế đầu tàu thế giới đã ổn định sau cuộc suy thoái năm 2007-2008. Bất chấp nền kinh tế toàn cầu phải đối phó với nhiều rủi ro, kinh tế Mỹ đang khởi sắc và tiến gần hơn đến các mục tiêu mà FED đề ra. Trung bình năm 2016, mỗi tháng có thêm 180.000 việc làm mới được tạo ra, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,6% trong tháng 11 (thấp nhất 9 năm). Cùng với đó, tỷ lệ lạm phát của Mỹ vững chắc tiến tới mốc mục tiêu 2% như các chuyên gia kinh tế kỳ vọng.

Thực tế, hầu như những vấn đề mà FED đối mặt trong quá khứ đã lắng dịu và người tiêu dùng Mỹ vui vẻ chi tiêu mạnh tay hơn. Đến thời điểm này, sự kiện nước Anh trưng cầu dân ý rời khỏi Liên minh Châu Âu (còn gọi là Brexit) đã tạm giảm bớt áp lực lên nền kinh tế toàn cầu. Giá dầu đang nằm trong tầm kiểm soát. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã quay lại các mức cao kỷ lục. Bên cạnh đó, Tổng thống đắc cử Donald Trump cam kết sẽ cắt giảm thuế và tăng đầu tư cơ sở hạ tầng. Tất cả những diễn biến này đều có thể khiến FED thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn.

Dù việc tăng lãi suất đúng như dự báo và đã có thời gian chuẩn bị khá dài, nhưng khi quyết định chính thức được đưa ra, thị trường tài chính toàn cầu đã có phản ứng tiêu cực. Chốt phiên giao dịch ngày 14-12 (giờ địa phương), các chỉ số chứng khoán lớn trên Phố Wall đồng loạt giảm điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,6% xuống 19.792,53 điểm, chỉ số S&P 500 hạ 0,8% xuống 2.253,28 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,5% xuống 5.436,67 điểm. Tiếp nối thị trường Mỹ, các chỉ số chứng khoán của Châu Âu cũng đi xuống sau thông báo của FED. Giá vàng tại thị trường New York (Mỹ) đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 10 tháng, còn 1.154,62 USD/ounce, sau khi đã có lúc rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 5-2-2016 là 1.149,66 USD/ounce. "Vàng đen" cũng không tránh khỏi ảnh hưởng tương tự. Kết thúc phiên ngày 14-12 tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 1-2017 đã giảm 1,94 USD xuống 51,04 USD/thùng. Tại London (Anh), giá dầu Brent giao tháng 2-2017 giảm 1,82 USD xuống 53,90 USD/thùng.

Theo các nhà phân tích, nếu chỉ tăng trong biên độ 0,25%, quyết định của FED sẽ không khiến thị trường "rung lắc" quá nhiều. Tuy nhiên, đây không phải là lần nâng lãi suất duy nhất. Dự kiến cuối năm 2017, FED sẽ tiến hành đợt tăng lãi suất thứ hai lên mức 1,4%, sau đó sẽ tăng tiếp lên 2,1% vào cuối năm 2018. Nâng lãi suất sẽ khiến cho việc gửi tiết kiệm và trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn những kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng và đầu cơ dầu. Vì vậy, nhiều khả năng sẽ có một làn sóng rút tiền ra khỏi các kênh đầu tư nói trên, khiến cho vàng, dầu và chứng khoán tiếp tục giảm trong ngắn hạn.

Ngoài ra, động thái nâng lãi suất sẽ gây áp lực cho các nền kinh tế đang phát triển do những tác động từ việc USD lên giá so với các ngoại tệ khác. Hiện USD vẫn là ngoại tệ phổ biến nhất vì được sử dụng trong hơn 85% nghiệp vụ giao dịch ngoại hối trên thế giới, 39% các khoản nợ toàn cầu được yết giá bằng USD và đồng bạc xanh chiếm hơn 63% dự trữ ngoại tệ của các nước. Trước đó, nhiều cảnh báo được đưa ra trong trường hợp FED nâng lãi suất, thế giới sẽ thiếu USD và nền kinh tế sẽ suy giảm tính thanh khoản. Các quốc gia khác sẽ gặp phải những rủi ro khác nhau liên quan đến việc USD tăng giá, tùy thuộc hoàn cảnh từng nước căn cứ trên các yếu tố như dự trữ ngoại tệ, nợ công bằng USD, cán cân tài khoản vãng lai, tổng sản lượng của từng nước. Hiện những quốc gia gánh nhiều rủi ro nhất từ đồng USD mạnh là những nước có những món nợ lớn tính bằng đồng USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
FED quyết định nâng lãi suất: Thị trường toàn cầu “rung lắc”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.