Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạm thời chưa áp dụng biện pháp tái xuất lô hàng lúa mì nhập khẩu nhiễm cỏ kế đồng

Ánh Dương| 17/10/2018 14:36

(HNMO) - Thông tin tạm thời chưa áp dụng biện pháp tái xuất lúa mì nhiễm cỏ kế đồng nhập khẩu vào Việt Nam được đưa ra tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp về vấn đề liên quan cỏ kế đồng do Cục Bảo vệ thực vật tổ chức tại Hà Nội ngày 17-10.


Trước đó, tháng 5-2018, Cục Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo hệ thống kiểm dịch thực vật thông báo tới các doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì về việc áp dụng biện pháp tái xuất các lô hàng nhiễm cỏ kế đồng từ ngày 1-11-2018...

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo lắng việc yêu cầu tái xuất lúa mì nhiễm cỏ kế đồng sẽ gây hàng loạt hệ quả, hàng loạt nhà máy chế biến bột mì bị ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, bị thiếu nguyên liệu hoặc do đối tác không đáp ứng được yêu cầu cung cấp lúa mì không nhiễm cỏ kế đồng, hoặc đẩy giá cao hơn... Nhiều doanh nghiệp kiến nghị Cục Bảo vệ thực vật xem xét, đề xuất với Bộ NN&PTNT và Chính phủ về lùi thời hạn áp dụng biện pháp tái xuất đối với những lô lúa mì nhập khẩu nhiễm cỏ kế đồng...

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung khẳng định, Cục Bảo vệ thực vật và Bộ NN&PTNT chưa có văn bản nào cấm nhập khẩu lúa mì, mà chỉ thông báo các doanh nghiệp về việc yêu cầu tái xuất những lô hàng nhiễm cỏ kế đồng. Từ đầu năm đến nay, cả nước nhập khẩu gần 5 triệu tấn lúa mì, trong đó, có hơn 1,6 triệu tấn nhiễm cỏ kế đồng. Theo quy định, lẽ ra phải buộc tái xuất ngay những lô hàng lúa mì nhiễm cỏ kế đồng. Tuy nhiên, để giúp các doanh nghiệp có sự chuẩn bị, đàm phán với đối tác hoặc tìm đối tác khác cung cấp lúa mì bảo đảm theo quy định, nên thời hạn áp dụng biện pháp tái xuất được lùi lại 6 tháng (từ tháng 5-2018 đến ngày 1-11-2018).

Tại hội nghị, các doanh nghiệp cũng được nghe chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực bảo vệ thực vật phân tích điều đáng lo ngại nhất khi cỏ kế đồng xâm nhập, thiết lập ở Việt Nam, các cây trồng như: Ngô, các loại đậu đỗ, hành, tỏi, ớt, cải bắp, cà rốt, các loại cây họ hoa thập tự, bầu bí, cà chua, khoai tây, nho… bị gây hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong nước, thậm chí ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam do nhiều nước cũng đưa cỏ kế đồng vào danh sách kiểm dịch thực vật...

Chia sẻ khó khăn trước mắt của các doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung nhấn mạnh: Tạm thời chưa áp dụng biện pháp tái xuất những lô hàng lúa mì phát hiện nhiễm cỏ kế đồng từ ngày 1-11-2018 và đề nghị các doanh nghiệp hợp tác với cơ quan nhà nước trong quá trình kiểm tra các lô hàng. Đồng thời, Cục sẽ đàm phán với các nước liên quan, thống nhất không xuất khẩu lúa mì nhiễm cỏ kế đồng sang Việt Nam. Nếu không đạt được sự thống nhất, Việt Nam sẽ chính thức áp dụng biện pháp tái xuất và có thể xem xét, áp dụng biện pháp mạnh là cấm nhập khẩu lúa mì nhiễm cỏ kế đồng vào Việt Nam và thông báo cho các doanh nghiệp biết trước thời hạn ít nhất 1 tháng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạm thời chưa áp dụng biện pháp tái xuất lô hàng lúa mì nhập khẩu nhiễm cỏ kế đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.