Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản

Trung Nguyên| 31/10/2018 07:11

(HNM) - Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô về thực phẩm sạch, đầu năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT) triển khai mô hình “Nuôi cá chép ứng dụng công nghệ sông trong ao”.


Trước đây, ở một số vùng nuôi trồng thủy sản xảy ra việc lạm dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trong phòng trị bệnh, cải tạo môi trường ao nuôi, dẫn đến tồn dư kháng sinh trong sản phẩm thủy sản và gây suy thoái môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Do đó, đầu năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội xây dựng mô hình “Nuôi cá chép ứng dụng công nghệ sông trong ao”. Mô hình có những ưu điểm như: Hạn chế việc thay nước, tăng năng suất nuôi trong cùng diện tích, hạn chế việc sử dụng kháng sinh và hóa chất trong quá trình nuôi thủy sản... Mô hình triển khai trên tổng diện tích 5ha, có 5 hộ gia đình ở các huyện Quốc Oai, Thường Tín, Phú Xuyên được lựa chọn tham gia, mỗi hộ được hỗ trợ 15.000 con cá giống, 30% thức ăn và 30% chế phẩm sinh học Aqua clear-S để xử lý môi trường.

Sau khi được tập huấn kỹ thuật, các hộ gia đình thực hiện mô hình tiến hành thả cá giống, tỷ lệ sống đạt hơn 99%, cá thích nghi nhanh với hệ thống sông trong ao. Ông Phan Nhân Lợi (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai), một trong số những hộ gia đình tham gia mô hình chia sẻ: Áp dụng công nghệ sông trong ao có thể nuôi cá với mật độ 60 con/m2, cao gấp 20 lần so với nuôi thông thường ở môi trường ao nước tĩnh. Thủy sản tăng trưởng cao hơn 30% so với nuôi thông thường. "Mô hình này mang lại hiệu quả cao là do nước vận động liên tục nên hàm lượng ô xy cao, góp phần giảm đáng kể lượng khí độc gây dịch bệnh cho cá, giúp cá vận động tốt, tiêu hóa nhanh, khỏe mạnh. Trong khi đó, người nuôi thủy sản giảm được chi phí mua thuốc phòng bệnh. Phương pháp này còn làm giảm mùi bùn trong sản phẩm, thịt cá săn chắc, thơm ngon hơn", ông Phan Nhân Lợi cho hay.

Còn theo ông Nguyễn Bá Trung (xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên), hiệu quả cao của mô hình là kiểm soát được lượng thức ăn, môi trường và còn tận dụng được phân cá để bón cho cây trồng… Sau 5 tháng nuôi có thể xuất bán cá thương phẩm với hiệu quả kinh tế từ 250 triệu đồng/ha trở lên, cao hơn 1,5-2 lần so với nuôi cá thông thường. Ông Trung cho biết, sẽ sớm phát triển thêm diện tích nuôi cá theo mô hình sông trong ao.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, để áp dụng được hệ thống sông trong ao, người nuôi cần có trình độ nhất định, có diện tích mặt nước lớn hơn 5.000m2, đầu tư ban đầu khoảng 150 triệu đồng/bể, cơ sở vật chất đầy đủ, nguồn điện ổn định do hệ thống máy móc, thiết bị vận hành liên tục 24/24 giờ… Thực tế áp dụng mô hình này giúp người nuôi thuận tiện trong khâu thu hoạch và không gây ảnh hưởng đến số cá còn lại trong ao. Sau thu hoạch, người nuôi tiếp tục thả con giống nuôi mới ngay mà không mất nhiều thời gian xử lý đáy ao, rút ngắn được chu kỳ nuôi…

Đánh giá cao hiệu quả mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ sông trong ao, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai rộng mô hình trên địa bàn thành phố trong thời gian tới. “Các địa phương và đơn vị chức năng cần phối hợp, xây dựng liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; giới thiệu các điểm tiêu thụ để ổn định đầu ra cho sản phẩm”, ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.