Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Tiếp sức” ngoại thành

Đào Đức Bạo Hiệp| 02/11/2018 06:42

(HNM) - Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Trong thành công đó, có sự hỗ trợ không nhỏ của các quận khi đã dành nhiều nguồn lực để

Các quận đã hỗ trợ các huyện, thị xã đầu tư, xây dựng nhiều hạng mục hạ tầng thiết yếu.


Sau khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, xã Châu Can (huyện Phú Xuyên) đã nhận được sự quan tâm của quận Hoàn Kiếm - hỗ trợ 6,1 tỷ đồng để nâng cao chất lượng các tiêu chí. Bí thư Đảng ủy xã Châu Can Nguyễn Văn Tạ cho biết, từ nguồn kinh phí hỗ trợ, địa phương đã bố trí cho xây dựng Trường Trung học cơ sở Châu Can bị xuống cấp, thiếu một số phòng chức năng phục vụ giảng dạy, học tập. Công trình Trường Trung học cơ sở Châu Can đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, đáp ứng các tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia.

Trên địa bàn huyện Phú Xuyên, xã Quang Lãng cũng nhận được sự quan tâm của quận Hà Đông - hỗ trợ xây dựng 2 nhà văn hóa tại thôn Sảo Thượng và Sảo Hạ, mỗi công trình trị giá 1 tỷ đồng. Cả hai công trình này đang hoàn thiện các hạng mục xây dựng cuối cùng, dự kiến cuối năm 2018 sẽ khánh thành, đưa vào sử dụng.

Trong xây dựng nông thôn mới, xã Mỹ Thành (huyện Mỹ Đức) rất thuận lợi khi nhận được sự đồng lòng, chung sức của người dân địa phương. Nhưng về tiêu chí trường học thì cả 3/3 trường học của xã đều chưa đạt chuẩn. Để kịp thời hỗ trợ địa phương vơi bớt khó khăn, năm 2018, quận Long Biên đã hỗ trợ xã Mỹ Thành kinh phí xây dựng một trường trung học cơ sở. Công trình gồm hai tòa nhà cao ba tầng với 12 phòng học và khối nhà hiệu bộ, các phòng chức năng, nơi làm việc của giáo viên… Ngôi trường hoàn thiện có ý nghĩa quan trọng, giúp xã Mỹ Thành hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2018.

Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Hoàng Thị Huyền, từ năm 2016 đến nay, 12 quận đã hỗ trợ khu vực ngoại thành Hà Nội 379,9 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Trong đó, quận Thanh Xuân hỗ trợ 4 huyện Ba Vì, Đông Anh, Thanh Oai, Sóc Sơn với tổng kinh phí 181 tỷ đồng, tiếp đến là các quận Ba Đình hỗ trợ 35 tỷ đồng, Nam Từ Liêm hỗ trợ 31,8 tỷ đồng, Hoàng Mai hỗ trợ 27,2 tỷ đồng, Đống Đa hỗ trợ 20 tỷ đồng... Từ năm 2016 đến nay, huyện Mỹ Đức đã nhận được hỗ trợ của các quận 70 tỷ đồng, Sóc Sơn được hỗ trợ 30 tỷ đồng, Phú Xuyên được hỗ trợ 31,5 tỷ đồng... Với nguồn lực này, hàng chục công trình trường học, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều huyện của Hà Nội vẫn còn những khó khăn. Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa cho biết, trên địa bàn huyện mới có 29/88 trường học đạt chuẩn. Còn huyện Mỹ Đức, qua rà soát, những năm tới cần đầu tư cho 10 trường học (đạt chuẩn) với kinh phí khoảng 200 tỷ đồng. Các địa phương đều mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ để có thêm nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện chương trình nội thành hỗ trợ ngoại thành xây dựng nông thôn mới, Thành ủy Hà Nội đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng quận hỗ trợ, giúp đỡ kinh phí cho các huyện, thị xã, nhất là xã xa trung tâm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng các công trình, dự án cụ thể. Mới đây, tại hội nghị giao ban quý III năm 2018 của Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020", Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã đề nghị khu vực nội thành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ khu vực ngoại thành để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nhiệm kỳ 2016-2020.

Đây chính là một cách làm rất thiết thực, qua đó Hà Nội sẽ duy trì vị thế địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Tiếp sức” ngoại thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.