Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cầu nối của chuỗi giá trị nông sản

Đỗ Minh| 04/01/2019 07:33

(HNM) - Hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, hợp tác xã đang là cầu nối liên kết hiệu quả các hộ nông dân với doanh nghiệp, bước đầu xây dựng thị trường tiêu thụ ổn định với những mô hình sản xuất chất lượng.


Là một trong những hợp tác xã tiêu biểu của Hà Nội trong xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, lưu thông, phân phối... Hợp tác xã Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) đã đầu tư hơn 60 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Theo Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long Nguyễn Trọng Long, đến nay, các thành viên trong hợp tác xã đã góp gần 5ha đất để xây dựng khu chăn nuôi khép kín với tổng kinh phí đầu tư khoảng 60 tỷ đồng. Hợp tác xã tổ chức sản xuất thức ăn chăn nuôi trên diện tích 720m2; chăn nuôi lợn giống, lợn thịt, khu xử lý chất thải ngoài hàng rào, khu vực chuồng trại khoảng 2,8ha… Thông qua mô hình hợp tác xã đã tổ chức giết mổ, làm mát, cấp đông, chế biến sản phẩm từ thịt như giò, chả, xúc xích… với nhãn hiệu thịt lợn sinh học A-Z; trung bình mỗi ngày, chuỗi sản phẩm của hợp tác xã cung cấp cho thị trường khoảng 2,2 tấn thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn.

Tương tự, Hợp tác xã Nông trại xanh và Phát triển bò Ba Vì - Hà Nội cũng là một điển hình về mô hình sản xuất theo chuỗi gắn với du lịch sinh thái. Theo Giám đốc Hợp tác xã Tạ Viết Hùng, với 13 thành viên, hợp tác xã thuê 25ha đất của Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì để nuôi bò sữa, sản lượng sữa đạt khoảng 800.000 lít/năm. Hợp tác xã đã sản xuất 8 sản phẩm từ sữa, doanh thu ước đạt 10 tỷ đồng/năm, thị trường tiêu thụ chính là các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Thái Bình…

Thực tế cho thấy, trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển các chuỗi giá trị nông sản, vai trò của hợp tác xã rất quan trọng. Khác với doanh nghiệp, trong sản xuất chuỗi nông nghiệp hiện nay, hợp tác xã đã thực sự trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân. Bên cạnh đó, hợp tác xã cũng là đầu mối chuyển giao khoa học kỹ thuật cụ thể nhất đến với nông dân, qua đó giúp họ thay đổi tư duy sản xuất và liên kết để phát triển.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội Lê Văn Thư cho rằng, thời gian qua, các hợp tác xã mạnh chính là những hợp tác xã biết liên kết, tạo ra những chuỗi giá trị. Để nâng cao giá trị sản phẩm, các hợp tác xã đã tổ chức sản xuất hoặc hướng dẫn hộ thành viên sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu. Đây cũng là định hướng và tiêu chí hoạt động của hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay. Với hướng đi đó, đến nay, toàn thành phố đã có hơn 60 hợp tác xã áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất như VietGAP, hữu cơ… Hiện đã có 43 hợp tác xã nông nghiệp gắn sản xuất với chuỗi giá trị bền vững, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp; 46 hợp tác xã đăng ký chương trình xây dựng truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông sản bằng tem điện tử QRcode...

Để các hợp tác xã thực sự phát huy tốt hơn nữa vai trò trong xây dựng các chuỗi nông sản, thời gian tới, rất cần những chính sách ưu tiên của thành phố, các sở, ngành về quy hoạch đất đai, xây dựng trang trại, ưu đãi tín dụng... đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ với chính sách đặc thù cho chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó là sự hỗ trợ giúp nông dân tiếp cận khoa học - kỹ thuật tiên tiến thông qua tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn; nâng cao trình độ quản lý của cán bộ hợp tác xã; củng cố đội ngũ cán bộ hợp tác xã và hoàn thiện cơ chế quản lý hợp tác xã; giúp doanh nghiệp và nông dân hợp tác ký kết hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ; phát triển và xây dựng nhãn hiệu cho các nông sản được coi là thế mạnh của các hợp tác xã...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cầu nối của chuỗi giá trị nông sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.