Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng thương hiệu nông sản

Đỗ Minh| 09/01/2019 08:01

(HNM) - Cùng với việc quy hoạch vùng sản xuất, phát triển các chuỗi, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các nông sản, từ đó nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm...


Thời điểm này, người dân xã Kim An (huyện Thanh Oai) bắt đầu thu hoạch cam Canh. Đây là một trong những trái cây đặc sản của Hà Nội cho hiệu quả kinh tế cao. Anh Nguyễn Văn Hoa, thôn Tràng Cát, xã Kim An cho hay, năm nay cam Canh được mùa được giá, hiện giá bán cam tại vườn từ 40.000 đến 45.000 đồng/kg. Với gần 1ha trồng cam Canh, theo tính toán, gia đình anh Hoa thu 700 triệu đồng.

Bưởi của huyện Chương Mỹ đã được công nhận nhãn hiệu tập thể.


Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Kim An Đỗ Hùng Cường chia sẻ: Từ khi áp dụng quy trình VietGAP và được công nhận nhãn hiệu tập thể, cam Canh ở xã Kim An được giá và luôn ổn định đầu ra. Đây chính là lợi thế lớn nhất của việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản.

Không riêng cam Canh ở xã Kim An, các sản phẩm như: Gạo hữu cơ của xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ), nhãn chín muộn xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) và nhiều nông sản sau khi được công nhận nhãn hiệu, giá bán cao gấp đôi so với sản phẩm thông thường và thị trường tiêu thụ ổn định. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, xây dựng thương hiệu chính là cách tốt nhất giúp sản phẩm của địa phương có sức cạnh tranh và chỗ đứng trên thị trường. Đến nay, Hà Nội đã xây dựng được hơn 40 nhãn hiệu: Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn chín muộn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê... Tuy vậy, việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa trên địa bàn thành phố vẫn gặp một số khó khăn liên quan đến tổ chức sản xuất, quản lý và sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Những sản phẩm đặc sản có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, nhưng chưa thể tổ chức sản xuất với quy mô lớn để xây dựng thành hàng hóa có nhãn hiệu, thương hiệu.

Khắc phục hạn chế trên, ngay từ đầu năm 2019, cùng với việc phát triển các mô hình theo chuỗi khép kín, các mô hình ứng dụng công nghệ cao, ngành Nông nghiệp Hà Nội tập trung xây dựng nhãn hiệu cho các nông sản đặc sản có giá trị kinh tế cao. Theo đó, Hà Nội tiếp tục quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, ưu tiên các nông sản có tiềm năng và căn cứ theo thế mạnh từng vùng miền, địa phương. Đơn cử, thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm măng tây (huyện Phú Xuyên), bưởi chua đầu tôm (huyện Quốc Oai), bưởi đỏ (huyện Mê Linh), chuối tiêu hồng (huyện Ba Vì), gà đồi Đông Yên và trứng gà Cấn Hữu (huyện Quốc Oai), gà đồi Trần Phú (huyện Chương Mỹ)…

Các cấp, các ngành thành phố cũng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, liên kết, phát huy vai trò của các hợp tác xã, phát triển những mô hình ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm có giá trị. Tín hiệu đáng mừng là một số doanh nghiệp nước ngoài đang triển khai các thủ tục liên kết với nông dân trên địa bàn thành phố trồng chuối tiêu hồng, lúa hữu cơ, cam Canh… để xuất khẩu. “Nhãn chín muộn của Hà Nội đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu, các nông sản đặc sản khác của Hà Nội hoàn toàn có thể vươn ra thị trường thế giới nếu làm tốt việc xây dựng thương hiệu” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng thương hiệu nông sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.