Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trăn trở ở làng nghề Dương Liễu

Ánh Dương| 17/02/2019 08:26

(HNM) - Từ năm 2001, xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức) được công nhận là Làng nghề truyền thống chế biến nông sản. Tuy nhiên, những bất cập từ nghề đang là nỗi trăn trở ở Dương Liễu.

Trên địa bàn xã Dương Liễu hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất... làm nghề chế biến nông sản, thu hút hàng nghìn lao động địa phương và các vùng lân cận. Trên thực tế, nhờ làng nghề phát triển đã góp phần giảm nghèo cho nhiều hộ dân. Toàn xã chỉ còn 35 hộ nghèo (0,97%). Thôn Hòa Hợp là một trong những thôn có nhiều hộ làm nghề thuộc diện nhất, nhì xã, có 272 hộ dân, không có hộ nghèo.

"Lao động trong thôn đều có việc làm với thu nhập bình quân 50 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân chung toàn xã" - Trưởng thôn Hòa Hợp Lê Trần Hồng vui mừng cho biết.

Bã thải từ sản xuất tinh bột của các hộ làm nghề ở xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức) chất đống bừa bãi ở lòng, lề đường. Ảnh: Trần Lê


Phát triển kinh tế, nhân dân Dương Liễu có điều kiện tích cực đóng góp xây dựng quê hương. Năm 2015, xã được đầu tư các dự án giao thông nông thôn, nhà nước hỗ trợ vật liệu xây dựng, nhân dân hiến đất, góp tiền và hàng nghìn ngày công lao động tạo nên những tuyến đường trục thôn, ngõ xóm đổ bê tông khang trang, rộng rãi. Đồng thời, với việc chung sức hoàn thành các tiêu chí, năm 2017, Dương Liễu được UBND TP Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngành nghề phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao. Tuy nhiên, Dương Liễu đang đối mặt với tình trạng hạ tầng nhanh xuống cấp và ô nhiễm môi trường. Vào những tháng sản xuất cao điểm (từ tháng 10 năm trước đến đầu tháng 2 năm sau), lưu lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa vào - ra làng nghề lên tới hàng trăm lượt mỗi ngày. Trong khi đó, hệ thống giao thông của làng nghề chưa đáp ứng tải trọng xe chở hàng, phần nào gây khó cho sản xuất, kinh doanh, giao lưu hàng hóa.

Bên cạnh đó, trong quá trình sơ chế nguyên liệu (củ dong, sắn...), chất thải chưa qua xử lý được các hộ làm nghề xả thẳng vào hệ thống thoát nước chung trong khu dân cư. Thậm chí do quá tải, chất thải ứ đọng lâu ngày đã phân hủy, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường, ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân trong vùng.

Theo Trưởng thôn Hợp Nhất Nguyễn Văn Thuận: Cả thôn chỉ có vài hộ làm nghề sản xuất mì, miến và khoảng 10 hộ chế biến bột củ dong, củ sắn. Mỗi khi vào vụ, các hộ làm nghề gom hàng nghìn tấn củ nguyên liệu. Không có sân bãi, nguyên liệu được tập kết bừa bộn tại khu vực công cộng, ven trục đường lớn, thậm chí tràn ra cả lòng đường.

Cùng với đó, xe chở nguyên liệu dính đất, cát (trung bình 100 tấn củ dong rũ ra 3 tấn đất) khiến mặt đường bê tông ở Dương Liễu bị phủ lớp đất, cát, rễ củ... Mỗi khi có phương tiện qua lại, bụi cuốn mù mịt; trời mưa thì đường ngập bùn đất lầy lội, tràn xuống hệ thống thoát nước thải ven đường, gây tắc nghẽn.

“Do chỉ thu được 20% bột, nên cứ 100 tấn củ dong sau sơ chế, có tới 80 tấn đất, bã thải xả thẳng xuống cống rãnh. Ước tính lượng bã thải từ sản xuất củ sắn cũng khoảng 300 tấn/ngày” - ông Nguyễn Hữu Đức ở thôn Me Táo chia sẻ.

Mặc dù gây ô nhiễm nghiêm trọng nhưng có tới 50% số hộ làm nghề không thực hiện nghĩa vụ nộp phí vệ sinh môi trường, do đó, xã thiếu kinh phí để thuê nạo vét, khơi thông cống rãnh. Cũng bởi đường sá bẩn, cống rãnh luôn nghẽn ứ chất thải, nên các thôn: Hòa Hợp, Hợp Nhất, Đoàn Kết, Thống Nhất, Đình Đầu… bị trừ điểm vệ sinh môi trường.

Không chỉ gây ô nhiễm môi trường mặt đất, không khí mà nguồn nước ở Dương Liễu cũng bị ảnh hưởng. Chủ tịch UBND xã Dương Liễu Phí Đình An cho biết, nước dành cho sản xuất và sinh hoạt ở Dương Liễu chủ yếu khai thác từ nguồn nước ngầm thông qua giếng khoan. Do các hộ chế biến nông sản khoan giếng sâu, sử dụng lượng nước lớn để rửa nguyên liệu nên có nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm. Nghiêm trọng hơn là nguồn nước ngầm bị ô nhiễm do nước thải ngấm xuống sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng...

Cùng với nỗ lực khắc phục ô nhiễm môi trường, tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các hộ làm nghề nâng cao ý thức, nộp phí vệ sinh môi trường đầy đủ, chính quyền và nhân dân xã Dương Liễu mong muốn các cấp, các ngành hỗ trợ giải pháp xử lý

ô nhiễm môi trường và có chế tài xử phạt nghiêm hành vi gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, vấn đề hạ tầng của làng nghề cũng cần được quan tâm hơn, có giải pháp hữu hiệu trong khắc phục, nâng cấp, mở rộng, làm mới... Qua đó, giúp Dương Liễu vừa phát triển nghề bền vững, vừa bảo vệ môi trường theo hướng xanh - sạch - đẹp - văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trăn trở ở làng nghề Dương Liễu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.