Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông dân Hà Nội làm theo lời Bác

Đỗ Minh| 18/02/2019 07:30

(HNM) - Cách đây hơn 70 năm, ngày 11-4-1946, trong Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ:


Những tấm gương tiêu biểu

Tốt nghiệp trung học phổ thông, chưa từng qua trường lớp cơ khí, kỹ thuật nào nhưng anh Tạ Đình Huy (thôn An Mỹ, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ) đã tự nghiên cứu, chế tạo thành công chiếc máy nông nghiệp đa năng "15 trong 1": cày, bừa, rạch luống, gieo hạt, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu, bơm nước… rất tiện lợi, giải phóng sức lao động và tạo hiệu quả kinh tế cao cho người sử dụng.

“Tham gia Hội Nông dân huyện, thường xuyên được học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp tại các địa phương, tôi thấy nông dân sản xuất còn thủ công, lạc hậu, vất vả mà hiệu quả kinh tế thấp. Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, sản xuất nông nghiệp hầu hết bằng máy móc, vừa giảm chi phí, hiệu quả lại rất cao. Từ đó, tôi học hỏi, nghiên cứu chế tạo ra chiếc máy hỗ trợ nông nghiệp. Qua nhiều lần bổ sung tính năng, đến nay, máy có 15 chức năng và được nông dân đón nhận. Tôi đã cung ứng cho bà con khoảng 3.000 chiếc máy nông nghiệp đa chức năng này” - anh Huy chia sẻ.

Trồng cam cho giá trị kinh tế cao tại xã Kim An (huyện Thanh Oai). Ảnh: Giang Sơn


Từ thành công đó, năm 2018, sản phẩm máy nông nghiệp do anh Tạ Đình Huy sáng chế đạt giải Nhất chương trình Nhà sáng chế, Sống xanh, Ai là chuyên gia... trên VTV2; Chương trình Sáng tạo Việt trên VTV3 và nhiều giải thưởng khác. Anh được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen “Gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015”; là Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu của Thành đoàn Hà Nội và vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen...

Anh Nguyễn Quang Huy ở xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) cũng là một trong những hộ nông dân tiêu biểu của Thủ đô khi biến những đồi chè cằn cỗi trên mảnh đất Bắc Sơn thành vùng chè VietGAP cho giá trị kinh tế cao.

Theo anh Nguyễn Quang Huy, chè vốn là cây trồng chính của người dân miền núi Bắc Sơn, nhưng theo năm tháng, những đồi chè nơi đây dần thoái hóa, hiệu quả thấp. Cùng với đam mê, quyết tâm làm giàu bằng tiềm năng, lợi thế của quê hương, anh Nguyễn Quang Huy là người đầu tiên tại xã Bắc Sơn nghiên cứu và học tập xây dựng thành công mô hình sản xuất chè sạch.

Anh tâm sự: “Trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP phải thực hiện đúng quy trình, ghi chép nhật ký quá trình chăm sóc. Với phương pháp này, sau 1 năm, cây chè mới bảo đảm tiêu chuẩn. Hơn nữa, để chè sạch khẳng định vị trí tại thị trường còn phải tuân thủ các khâu khác bảo đảm đúng quy trình của VietGAP (chế biến, sản xuất, bảo quản...). Tuy nhiên, khi đạt tiêu chuẩn, sẽ bán được giá cao gấp nhiều lần so với cách làm truyền thống: 150.000-400.000 đồng/kg (trước đây 70.000-80.000 đồng/kg)"...

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Bắc Sơn Nguyễn Hữu Hồng, từ mô hình chè sạch của anh Huy, nhiều hộ dân địa phương cũng tham gia sản xuất chè sạch và đã hình thành vùng chè Bắc Sơn. Năm 2012, nhãn hiệu tập thể “Chè an toàn Bắc Sơn” được công nhận là sản phẩm chất lượng cao, được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng...

Từ hiệu ứng tích cực của những nông dân tiêu biểu như: Tạ Đình Huy, Nguyễn Quang Huy... Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương sản xuất - kinh doanh giỏi, tạo phong trào lớn, có sức lan tỏa sâu rộng. Đơn cử, ông Nguyễn Trọng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) với mô hình trang trại nuôi lợn khép kín hiện đại, cung ứng chuỗi thịt sạch, qua đó, thu hàng chục tỷ đồng mỗi tháng; hay như anh Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa) đã thành lập và dẫn dắt hợp tác xã phát triển chăn nuôi lợn, doanh thu mỗi năm đạt hơn 200 tỷ đồng...

Nhân rộng các điển hình

Theo Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Lê Trọng Khuê, tính đến hết năm 2018, toàn thành phố có 168.760 hộ đạt danh hiệu Hộ sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có hàng nghìn hội viên nông dân được kết nạp Đảng.

Đặc biệt, mỗi năm có hàng trăm tập thể, cá nhân được tuyên dương Gương điển hình làm theo lời Bác. Nhiều nông dân nỗ lực vượt khó, đạt thành tích vượt bậc và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, vật chất, tinh thần, sức lực... trong cộng đồng, giúp bà con cùng làm giàu. Họ là những hạt nhân tích cực, có sức lan tỏa, góp phần nhân rộng phong trào, nâng cao tính tự chủ của nông dân.

Đây chính là nền tảng để Hội Nông dân thành phố đề ra mục tiêu năm 2019 có 100% hội viên tham gia phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi; 50-60% số hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp...

Từ những việc làm cụ thể, thiết thực, hơn 5 năm qua, Hội Nông dân thành phố đã tuyên truyền, vận động xây dựng được 538 mô hình kinh tế tập thể đạt hiệu quả kinh tế lớn; giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn, đẩy mạnh sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tập trung thâm canh tăng vụ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; từng bước nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho hội viên nông dân.

Tiếp nối truyền thống, nông dân của Hà Nội đang nỗ lực phấn đấu, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương và xây dựng Thủ đô giàu đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân Hà Nội làm theo lời Bác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.