Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy lợi thế xuất khẩu rau, quả: Nâng chất lượng để tăng giá trị

Đỗ Minh| 25/03/2019 06:34

(HNM) - Vượt qua kim ngạch xuất khẩu gạo và nhiều nông sản có thế mạnh, rau, quả đang trở thành mặt hàng mang về giá trị lớn cho ngành Nông nghiệp...

Chế biến dứa xuất khẩu tại Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.


Cơ hội để bứt phá

Hơn 10 năm qua, rau, quả là mặt hàng có mức tăng trưởng ấn tượng nhất của ngành Nông nghiệp. Nếu như năm 2005, sản phẩm rau, quả của Việt Nam mới xuất khẩu sang 36 quốc gia, vùng lãnh thổ với kim ngạch đạt 235 triệu USD, thì đến năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 3,8 tỷ USD với thị trường tiêu thụ tại 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Có thời điểm, sản phẩm rau, quả có mức tăng trưởng ngang bằng, thậm chí vượt qua cả mặt hàng cà phê, bỏ xa các mặt hàng chủ lực khác như gạo, tiêu, điều, cao su...

Tại diễn đàn xuất khẩu rau, hoa, quả do Hiệp hội Rau quả Việt Nam vừa tổ chức, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho hay, cả nước hiện có hơn 1,8 triệu héc ta trồng rau, quả. Nhiều vùng trồng cây ăn quả đã ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng những tiêu chuẩn về chất lượng xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng. Với thế mạnh đó, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 5 tỷ USD. “Điều này hoàn toàn có thể đạt được bởi không chỉ trái cây Việt Nam được thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao, mà Việt Nam còn được coi là một trong những nước xuất khẩu rau, quả lớn của thế giới, nếu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất”, ông Đặng Phúc Nguyên khẳng định.

Đó là nhận định có cơ sở khi thời gian qua, nhiều loại hoa quả Việt Nam đã vượt qua "cửa ải" tiêu chuẩn khắt khe của những thị trường khó tính. Đáng chú ý, sau 10 năm đàm phán, tiến hành chiếu xạ, tháng 2 vừa qua, trái xoài Việt Nam đã chính thức xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Vậy là sau thanh long, nhãn, chôm chôm, vải thiều, vú sữa, xoài là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường khó tính này. Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) để xuất khẩu trái cây sang thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Nga…, các bộ, ngành liên quan đã giải quyết hàng loạt vấn đề về kiểm dịch, trong đó có chiếu xạ kiểm soát dịch hại cho trái cây. Cục Bảo vệ thực vật cũng đã cấp được gần 6.000 mã số vùng trồng trái cây thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, vải... phục vụ xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Cùng với tiềm năng về trồng rau, quả, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để mở rộng xuất khẩu. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực và sắp tới là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính là cơ hội để sản phẩm rau, quả của Việt Nam rộng đường vào các thị trường có quy mô lớn, sức tiêu thụ mạnh.

Đồng tình với nhận định trên, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Đỗ Quốc Hưng dẫn chứng, sau nhiều năm xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, sản phẩm rau, quả của Việt Nam được người tiêu dùng tại 2 quốc gia này ưa chuộng và có những phản hồi khá tốt. Vì vậy, ngành rau, quả Việt Nam cần khai thác tốt lợi thế tại những thị trường này. Cụ thể, Hàn Quốc hiện nhập khẩu khoảng 8,5 tỷ USD sản phẩm rau, quả, nhưng kim ngạch xuất khẩu rau, quả của Việt Nam vào nước này mới đạt hơn 300 triệu USD. Đối với thị trường Nhật Bản, mỗi năm nhập khẩu gần 60 tỷ USD hàng nông sản; trong đó, riêng kim ngạch trái cây tươi nhập khẩu là 3,4 tỷ USD, rau các loại là 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam sang Nhật Bản mới đạt hơn 36 triệu USD, chiếm 1,1%; rau mới đạt 34 triệu USD, chiếm 1,3%.

Đáng chú ý, thị trường Trung Quốc đã bắt đầu nhập khẩu sản phẩm rau, quả của Việt Nam qua đường chính ngạch, đây là lợi thế lớn. Cùng với đó, thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu… tiếp tục có những tín hiệu tăng trưởng tốt là những cơ hội cho ngành rau, quả Việt Nam nắm bắt để bứt phá.

Nâng cao chất lượng, đầu tư cho chế biến

Kiểm nghiệm chất lượng vải trước khi xuất khẩu sang Australia.


Mặc dù tăng trưởng ấn tượng, nhưng xuất khẩu sản phẩm rau, quả của Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, chất lượng sản phẩm xuất khẩu tươi đang là những hạn chế của mặt hàng này. Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN& PTNT) Lê Văn Đức cho biết, nhìn chung, quy mô sản xuất trong nước vẫn nhỏ lẻ, nhiều vườn tạp, diện tích chuyên canh tập trung chiếm chưa tới 20% tổng diện tích trồng cây ăn quả cả nước. Tỷ lệ sản xuất rau ứng dụng tiến bộ khoa học cũng còn hạn chế. Việc này dẫn đến nguồn hàng bảo đảm chất lượng xuất khẩu không ổn định về số lượng, khiến nhiều doanh nghiệp không mạnh dạn ký đơn hàng xuất khẩu.

Chia sẻ những khó khăn trên, Giám đốc Công ty TNHH Đà Lạt Lê Văn Cường cho hay, các đối tác ở Nhật Bản có nhiều đơn hàng đặt với công ty để nhập khẩu sản phẩm rau, quả, trong khi nguồn hàng trong nước khan hiếm bởi nguồn sản phẩm rau, quả do doanh nghiệp sản xuất chưa đủ số lượng cung ứng. “Rau quả xuất khẩu sang Nhật Bản có giá cao, nhưng cũng phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe. Nếu có nguồn hàng bảo đảm về chất lượng và số lượng, doanh nghiệp cũng như người sản xuất sẽ có nguồn lợi nhuận khá lớn từ thị trường này”, ông Lê Văn Cường khẳng định.

Ngoài sản xuất thì chế biến đang là hạn chế của mặt hàng rau, quả xuất khẩu. Theo Bộ NN&PTNT, nguyên nhân chính là do, hiện cả nước chỉ có 150 doanh nghiệp chế biến rau, quả. Ước tính đến năm 2021, doanh thu từ sản phẩm rau, quả chế biến toàn cầu có thể đạt 317 tỷ USD. Nếu khai thác tốt chế biến, ngành rau, quả sẽ tiếp tục có mức tăng trưởng ấn tượng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, để khắc phục những hạn chế trên, các địa phương có thế mạnh về sản phẩm rau, quả cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Cùng với đó là mở rộng diện tích sản xuất tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm giá thành; tăng tỷ lệ sản phẩm được cấp giấy chứng nhận an toàn, hữu cơ...; đẩy mạnh trồng rau, quả rải vụ. Đặc biệt, các bên liên quan phải xây dựng được chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và phân phối rau, quả ra thị trường.

Ngoài ra, các địa phương cần có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khâu chế biến, quan tâm xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu hàng hóa tại Việt Nam cho các loại rau, quả đặc sản. Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với các địa phương, qua đó hình thành kênh thông tin thị trường, hướng người sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh căn cứ vào nhu cầu thị trường để chọn lựa những mặt hàng phù hợp và cân đối cung - cầu...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy lợi thế xuất khẩu rau, quả: Nâng chất lượng để tăng giá trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.