Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà mạng cung cấp giải pháp phục vụ ngư dân

Việt Nga| 17/04/2019 07:06

(HNM) - Dù đã cung cấp các gói cước với nhiều ưu đãi từ vài năm trước, nhưng phải đến cuối năm 2018, các nhà mạng mới đưa ra trọn bộ giải pháp phục vụ ngư dân hoạt động trên biển.

Viettel là nhà mạng đầu tiên đưa ra gói cước “Sea+” cung cấp nhiều tiện ích cho người đi biển.


Viettel được coi là nhà mạng đầu tiên đưa ra gói cước “Sea+” vào tháng 8-2011 với những ưu đãi và tính năng đặc biệt nhằm giúp người dân đi biển an toàn và tiện ích hơn. Sử dụng gói cước này, thuê bao được cung cấp miễn phí bản tin về thời tiết biển theo yêu cầu tại một vùng đăng ký và thông tin về các số điện thoại khẩn cấp để liên hệ trong các trường hợp cần hỗ trợ. Không đứng ngoài cuộc, bên cạnh việc áp dụng nhiều ưu đãi về chính sách cước, trong gói cước “Biển Đông”, MobiFone chú trọng đưa các tiện ích như cập nhật tin tức về thời tiết biển và các chính sách về biển đảo tới các thuê bao. Còn VinaPhone đưa ra gói “Biển đảo” với hàng loạt ưu đãi, và tương tự như Viettel, MobiFone, thuê bao VinaPhone dùng gói cước này sẽ được cung cấp các gói thông tin miễn phí như thời tiết biển trong ngày và các thông tin về biển, đảo.

Như vậy, có thể thấy rằng, bên cạnh việc cạnh tranh để hút thuê bao, cả 3 nhà mạng chủ chốt đều chú trọng đến đặc điểm vùng miền để đưa ra những tiện ích phù hợp với khách hàng. Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Ban Khách hàng tổ chức, doanh nghiệp VinaPhone cho biết, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều văn bản về việc sử dụng thiết bị công nghệ phục vụ ngư dân đánh bắt hải sản, cũng như khuyến khích ngư dân bám biển để vừa nâng cao cuộc sống, đồng thời bảo vệ chủ quyền trên biển, bảo vệ Tổ quốc... Do vậy, VNPT luôn chú trọng nghiên cứu các bộ giải pháp công nghệ phục vụ ngư dân.

Cụ thể, từ cuối năm 2018, VNPT đưa ra bộ giải pháp VNPT-VSS (gồm thiết bị đầu cuối, kết nối, sim riêng của VNPT) vừa đáp ứng thông tin liên lạc cho ngư dân, vừa có chức năng quản lý tàu thuyền, có hỗ trợ truy xuất nguồn gốc thủy sản và là công cụ hỗ trợ về thời tiết, phòng, chống thiên tai. Đáng chú ý, hệ thống này có thể cảnh báo trên từng vùng biển, vùng cấm khai thác, vùng đánh bắt, giúp ngư dân tránh vi phạm quy định về đánh bắt hải sản. Đặc biệt với thế mạnh về công nghệ vệ tinh, VNPT đã đưa công nghệ thông tin di động vệ tinh hạ tầng Vinaphone S hiện đại, bảo mật để bảo đảm liên lạc cho ngư dân hoạt động trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Hiện bộ giải pháp này của VNPT đang được triển khai tại 28 tỉnh, thành phố có biển, đảo.

Làm rõ hơn việc cung cấp bộ giải pháp cho ngành thủy sản, ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, Viettel bắt đầu nghiên cứu về giải pháp công nghệ cho ngành thủy sản từ vài năm trước. Tuy nhiên, sau khi Liên minh châu Âu áp dụng "thẻ vàng" với mặt hàng hải sản của Việt Nam năm 2017 do vi phạm quy định, đã thôi thúc Viettel đẩy mạnh việc cung cấp bộ giải pháp thiết bị đầu cuối thông minh cho ngành hàng hải - S-Tracking vào cuối năm 2018. Bộ sản phẩm này sử dụng nguồn năng lượng mặt trời, nếu đặt trong bóng tối thì có pin dự trữ; giúp cảnh báo người dân nếu đi lạc sang vùng biển khác, vùng biển cấm đánh bắt; đặc biệt, thiết bị do Viettel tự sản xuất nên giá thấp hơn 20%-30% so với hàng nước ngoài cùng loại. Hiện đã có 300 khách hàng trong nước sử dụng bộ giải pháp này.

Thị trường trong nước hiện rất lớn với 30.000 tàu cá đánh bắt xa bờ; gần 77.000 tàu cá đánh bắt gần bờ, 270.000 tàu tuyến thủy nội địa và hơn 1 triệu ngư dân tham gia lưu thông thường xuyên. Đây chính là cơ hội cho Viettel đưa ra các giải pháp phục vụ.

Như vậy, không dừng lại ở việc cung cấp các gói cước thông thường, với thế mạnh về công nghệ, các nhà mạng đã chuyển hướng cung cấp nhiều giải pháp, thiết bị công nghệ phục vụ ngư dân. Việc chuyển hướng này không chỉ cho thấy sự thích nghi với thị trường mà còn khẳng định sự đầu tư hiệu quả của các doanh nghiệp viễn thông cho lĩnh vực sản xuất thiết bị để từng bước làm chủ công nghệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà mạng cung cấp giải pháp phục vụ ngư dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.