Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục tình trạng phụ thuộc nguồn nước hồ thủy điện

Bài, ảnh: Kim Nhuệ| 17/04/2019 07:27

(HNM) - Hơn 10 năm nay, sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân của Hà Nội và các tỉnh, thành phố khu vực trung du, Đồng bằng Bắc Bộ luôn phụ thuộc nguồn xả của các hồ thủy điện.

Để bảo đảm nguồn nước gieo cấy cho 546.100ha lúa vụ đông xuân 2018-2019 của 12 tỉnh, thành phố khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo 3 nhà máy thủy điện: Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà tăng cường phát điện để bổ sung cho sông Hồng 4,42 tỷ mét khối. Tuy nhiên, mực nước sông Hồng thực tế tại Trạm thủy văn Long Biên (thành phố Hà Nội) không đạt mức 2,2m khiến hàng loạt công trình thủy lợi của thành phố Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… không đủ điều kiện vận hành, buộc phải lắp đặt hệ thống trạm bơm dã chiến, để kéo dài thời gian lấy nước…

Thành phố Hà Nội đầu tư gần 15 tỷ đồng xây dựng Trạm bơm dã chiến Phù Sa lấy nước sông Hồng ở mực nước thấp.


Theo ông Lê Viết Sơn - Trưởng phòng Quy hoạch thủy lợi Bắc Bộ (Viện Quy hoạch thủy lợi), khi chưa có các hồ chứa thủy điện thì lượng bùn cát đến sông Hồng mỗi năm là 60 triệu mét khối nhưng hiện nay giảm, chỉ còn 5 triệu mét khối; trong khi đó, khối lượng cát khai thác hằng năm trên hệ thống sông này đạt khoảng 35 triệu mét khối. Với thực trạng này, dù các hồ thủy điện có xả tối đa công suất, đến mức 3.300m3/s thì mực nước sông Hồng tại Trạm thủy văn Long Biên cũng không thể đạt mức 2,2m trong mùa kiệt. Điều này cũng đồng nghĩa, một số công trình thủy lợi của các tỉnh, thành phố khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ sẽ không đủ điều kiện vận hành trong nhiều năm tới.

Để thích ứng với tình trạng mực nước sông Hồng hạ thấp, từ năm 2016 đến nay, các tỉnh, thành phố đã đầu tư nhiều trạm bơm vận hành ở cột nước thấp, không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung của các hồ chứa thủy điện. Cụ thể, thành phố Hà Nội đã xây dựng các trạm bơm: Đan Hoài, Xuân Phú, Thụy Phú, dã chiến Phù Sa và đang đầu tư xây dựng các trạm bơm: Thanh Điềm, Quang Lãng, chuẩn bị xây dựng Trạm bơm Liên Mạc. Cùng với đó thành phố cũng nghiên cứu giải pháp tăng dung tích trữ nước của các hồ thủy lợi lớn trên địa bàn… Một số địa phương như tỉnh Hưng Yên xây dựng 20 trạm bơm cột nước thấp để hỗ trợ lấy nước từ nguồn tích trữ trong hệ thống kênh mương và lợi dụng thủy triều. Tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng các trạm bơm: Bạch Hạc, Đại Định và đang chuẩn bị đầu tư xây dựng Trạm bơm Liễu Trì… Cùng với giải pháp trên, các tỉnh, thành phố đã đầu tư kinh phí tăng cường nạo vét cửa khẩu, bể hút, làm thủy lợi nội đồng. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố đang tập trung rà soát để xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất một số diện tích cao, xa nguồn nước sang cây trồng cạn; trong đó, thành phố Hà Nội dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ chuyển đổi 1.844ha gặp khó khăn về nguồn nước sang cây trồng cạn, có giá trị kinh tế cao…

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan hạ thấp mực nước sông Hồng. Bộ NN&PTNT đã yêu cầu Tổng cục Thủy lợi phối hợp với các tỉnh, thành phố rà soát, tổng hợp nhu cầu xây dựng các công trình thủy lợi lấy nước chủ động để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị các tỉnh, thành phố vận động nhân dân gieo cấy đúng thời vụ, sản xuất đúng quy hoạch, bảo vệ công trình thủy lợi, sử dụng tiết kiệm nguồn nước. Các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí nguồn vốn để nâng cấp, sửa chữa, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi nội đồng, ứng dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục tình trạng phụ thuộc nguồn nước hồ thủy điện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.