Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng nông thôn mới: Đẩy nhanh tiến độ

Nguyễn Mai| 31/05/2019 07:38

(HNM) - Năm 2012, các xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Song, để đáp ứng yêu cầu phát triển, năm 2016, UBND thành phố chỉ đạo các xã rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và yêu cầu hoàn thành trước năm 2018.


Chưa đạt yêu cầu

Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Phú Xuyên Dư Anh Hào cho biết, tháng 5-2018, UBND huyện Phú Xuyên đã hoàn thành việc lập, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng trung tâm xã tỷ lệ 1/500 trong xây dựng nông thôn mới của 26 xã trên địa bàn. Sau việc này, huyện đã dành quỹ đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn, định hình cụ thể các vùng sản xuất nông nghiệp, giúp nhân dân thuận lợi khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng theo đúng quy hoạch được duyệt.

Nhờ thực hiện tốt quy hoạch, diện mạo các xã nông thôn mới ngày càng xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Nhật Nam


Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng hoàn thành sớm công tác lập, điều chỉnh quy hoạch như huyện Phú Xuyên. Chủ tịch UBND xã Lê Thanh (huyện Mỹ Đức) Nguyễn Hữu Huy cho biết, trước năm 2012, đồng ruộng của xã Lê Thanh được quy hoạch trồng lúa nhưng sau khi dồn điền đổi thửa, nhân dân có nguyện vọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, UBND xã đã triển khai điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Tương tự xã Lê Thanh, theo Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Mỹ Đức Trần Văn Sự, hiện các xã còn lại trên địa bàn đều chưa hoàn thành các quy hoạch trong nông thôn mới.

Điều đáng nói, tình trạng tương tự huyện Mỹ Đức đang diễn ra ở nhiều địa phương, như: Hoài Đức, Gia Lâm, Thường Tín… Báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” cho thấy, mặc dù UBND thành phố đã bố trí vốn cho các địa phương thực hiện công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, tuy nhiên, đến hết quý I-2019 (ngoài 45/386 xã không phải điều chỉnh quy hoạch, 13/386 không phải lập quy hoạch xây dựng trung tâm xã tỷ lệ 1/500 và 32/386 xã không phải lập quy hoạch điểm dân cư nông thôn 1/500 do nằm trong quy hoạch phát triển đô thị), mới có 166 xã được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung, 46 xã được phê duyệt quy hoạch xây dựng trung tâm xã tỷ lệ 1/500 và 31 xã được phê duyệt quy hoạch điểm dân cư nông thôn tỷ lệ 1/500.

Như vậy, kết quả trên là chưa bảo đảm tiến độ theo Kế hoạch số 188/KH-UBND ngày 6-10-2016 của UBND thành phố Hà Nội thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội ngày 26-4-2016 đã đề ra (cụ thể là rà soát điều chỉnh quy hoạch chung, xây dựng quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn và trung tâm xã tỷ lệ 1/500; điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới phải hoàn thành trước năm 2018).

Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Hoàng Thị Huyền, xây dựng nông thôn mới, quy hoạch phải đi trước, tạo nền tảng cơ bản để thực hiện các tiêu chí khác… Do vậy, việc chậm, muộn trong công tác lập, điều chỉnh các quy hoạch sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc xây dựng hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất... tại các địa phương.

Tháo gỡ khó khăn

Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Mỹ Đức Trần Văn Sự cho rằng: Trình tự thủ tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới huyện giao cho các xã làm chủ đầu tư. Sau khi hoàn tất các bước, xã chuyển hồ sơ lên huyện để trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thẩm định, đạt yêu cầu mới được UBND huyện phê duyệt. Đối với quy hoạch chi tiết trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn, phải qua thẩm định của các sở: Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường nên cần khoảng thời gian nhất định để thực hiện…

Về phía cơ quan chức năng, Trưởng phòng Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật (Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội) Đào Minh Tâm cho hay: Thực hiện nhiệm vụ được UBND thành phố giao, Sở đã ban hành văn bản, tài liệu hướng dẫn công tác rà soát điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới làm cơ sở cho các địa phương triển khai. Song, do khối lượng đồ án quy hoạch nông thôn mới cần lập lớn nên cần nhiều thời gian để thực hiện… Mặt khác, với đặc thù riêng, Hà Nội có nhiều loại quy hoạch khác nhau nên khi thực hiện các đồ án quy hoạch nông thôn mới nảy sinh nhiều bất cập cần tháo gỡ. Ngoài ra, 5 huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì đang xây dựng đề án thành lập quận nên còn lúng túng trong việc nghiên cứu lập đồ án quy hoạch nông thôn mới…

Về vấn đề này, tại hội nghị sơ kết quý I-2019 của Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới của các xã bảo đảm tiến độ theo Thông tư số 02/2017/TT-BXD ngày 1-3-2017 của Bộ Xây dựng, phấn đấu hoàn thành trong quý II-2019.

Để đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, Sở đã giao cho các phòng, ban, tham gia ý kiến với các nhiệm vụ và đồ án quy hoạch theo yêu cầu của các huyện, thị xã ngay khi tiếp nhận được hồ sơ, không để hồ sơ tồn đọng. Mặt khác, theo chỉ đạo của thành phố, tới đây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương cùng tháo gỡ các vướng mắc. Đồng thời, Sở sẽ phối hợp cùng các ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thẩm định và đưa ra khuyến nghị với các địa phương trong công tác này.

Để thực hiện hiệu quả chỉ đạo của thành phố về công tác này, ngoài nỗ lực của các cấp, ngành, sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của chính quyền cơ sở vẫn là yếu tố quan trọng và căn bản nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng nông thôn mới: Đẩy nhanh tiến độ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.