Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng an toàn

Quỳnh Dung| 16/06/2019 07:19

(HNM) - Ngành Nông nghiệp đã và đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát từ gốc các sản phẩm nông nghiệp bán ra thị trường.

Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại một cơ sở thuộc huyện Đông Anh.


Kiểm tra ra... vi phạm

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có 17.011 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Trong đó, 13.513 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản (1.427 công ty, doanh nghiệp và 15.584 hộ sản xuất, kinh doanh) và gần 200.000 cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ. Do số lượng cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản nhiều nhưng còn tự phát, nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư... khiến việc kiểm soát chất lượng còn khó khăn.

Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, hiện nay, việc quản lý an toàn thực phẩm được phân cấp đến huyện và xã; đối tượng quản lý lớn nhưng lực lượng thực hiện công tác còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, việc thực hiện quản lý an toàn thực phẩm ở chính quyền địa phương còn lỏng lẻo, chưa quyết liệt... nên tình trạng vi phạm vẫn tái diễn.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Chi cục đã kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm ở 110 cơ sở; lấy 445 mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản để kiểm tra và hiện đã có kết quả phân tích của 205 mẫu (gồm: 63 mẫu thịt, 31 mẫu thủy sản, 17 mẫu quả, 47 mẫu rau, 11 mẫu gạo...), trong đó có 10 mẫu vi phạm chỉ tiêu an toàn thực phẩm...

Về khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm ở địa phương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Ngô Vi Khả cho biết, toàn huyện có 1.568 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó, ngành Nông nghiệp quản lý 115 cơ sở; các xã, thị trấn quản lý 1.310 cơ sở; số còn lại do ngành Công thương quản lý. Tuy nhiên, khi kiểm tra vẫn phát hiện vi phạm, chủ yếu các lỗi như kinh doanh không có tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ.

Nguyên nhân chủ yếu là huyện không đủ kinh phí cho xây dựng và mở rộng quy hoạch vùng rau an toàn và các khu, điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; ý thức người sản xuất, chế biến, kinh doanh về vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế, chạy theo lợi nhuận nên cố tình vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm...

Xây dựng vùng sản xuất an toàn

Trước thực tế nêu trên tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho biết, để kiểm soát an toàn thực phẩm từ gốc, huyện tiếp tục thực hiện đề án, chương trình, chính sách phát triển vùng sản xuất tập trung hỗ trợ cho công tác an toàn thực phẩm. Theo đó, đẩy mạnh phát triển đề án sản xuất, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn huyện; duy trì, phát triển vùng rau an toàn tại 3 xã, thị trấn: Chu Minh, Minh Châu, Tây Đằng với diện tích 117ha; triển khai xây dựng các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm an toàn nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng...

Để nâng cao chất lượng, quản lý các mặt hàng nông, lâm, thủy sản bán ra thị trường, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ các quy hoạch; tổ chức lại theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô tập trung; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất di chuyển vào vùng quy hoạch để phát triển lâu dài, bền vững và có lượng hàng hóa lớn. Sở phối hợp với các đơn vị xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn; tăng cường xúc tiến thương mại, giới thiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm an toàn.

Các đơn vị của Sở tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất; kiểm nghiệm, giám sát hậu kiểm việc thực hiện quy định của pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm nông nghiệp; phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông, lâm sản, thủy sản, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chất cấm...

Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo các đơn vị tiếp tục rà soát, thống kê, kiểm tra đánh giá, xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ NN&PTNT và theo phân công, phân cấp của thành phố; phối hợp với các cấp chính quyền trong công tác quản lý giết mổ, quản lý an toàn thực phẩm, thu hẹp và tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.