Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xu hướng mới từ nông trại chia sẻ

Nguyễn Mai| 21/06/2019 07:15

(HNM) - Mô hình “cộng đồng đầu tư, cộng đồng hưởng lợi”, cho thuê đất và hợp tác với các gia đình ở đô thị để trồng trọt, chăn nuôi, tạo thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ khép kín cùng có lợi... đang nhen nhóm ở ngoại thành Hà Nội.


Cách trung tâm Hà Nội 30km, nông trại chia sẻ là mô hình đầu tiên ở huyện Phúc Thọ hoạt động theo hình thức liên kết (chủ yếu với người dân thành thị) để làm nông nghiệp. Mô hình hoạt động theo tiêu chí "Cùng đầu tư, cùng thụ hưởng". Nói cách khác, chủ của nông trại này kêu gọi các hộ dân thành phố cùng đầu tư sản xuất rau, củ, quả, thực phẩm phục vụ nhu cầu hằng ngày của các gia đình. Các gia đình có thể trực tiếp hoặc thuê sản xuất; hằng tuần, nhận nguồn rau, quả, thực phẩm do nông trại cung cấp.

Giám đốc Công ty cổ phần Nông trại Lương Văn Hùng chia sẻ, với quy mô 16,8ha, hoạt động từ năm 2017 đến nay, nông trại đang cung cấp cá, thịt gà, thịt lợn, sữa tươi thanh trùng, rau sạch... cho các hộ dân. Cụ thể, nông trại có gần 40 con bò sữa; 5 ao thả cá; khoảng 4.000 con gà; nhiều loại rau, củ, quả theo mùa... với khoảng 70 mã sản phẩm. Tham gia mô hình, các cổ đông cũng chính là người tiêu dùng, được hưởng những sản phẩm tốt nhất với giá gốc, không qua trung gian; ngoài ra, các gia đình còn được trải nghiệm nghề nông và du lịch sinh thái tại nông trại..." - ông Hùng giải thích thêm.

Cũng theo ông Lương Văn Hùng, tuy triển vọng lớn nhưng thời gian đầu triển khai, nông trại cũng gặp rất nhiều khó khăn: “Làm nông nghiệp sinh thái cần quỹ đất lớn. Để có diện tích 16,8ha, tôi đã phải vận động, thuyết phục hàng trăm hộ dân ở xã Ngọc Tảo cho thuê đất. Kế đó, mời gọi cư dân thành phố cùng đầu tư... tốn khá nhiều thời gian. Mô hình cam kết sẽ tạo việc làm cho nông dân được làm việc trên mảnh đất của họ (đang cho thuê), tăng nguồn thu nhập”.

Đến nay, mô hình nông trại chia sẻ đã thu hút được gần 100 cổ đông tham gia quản trị, hoàn thiện quy trình sản xuất, cùng hưởng lợi; đã có gần 100 khách hàng mua sản phẩm của nông trại chia sẻ theo các gói trả trước (3 tháng, 6 tháng, 1 năm…).

Bà Bùi Hoàng Ly Ly ở phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) là một trong những người tham gia đầu tư tại nông trại cho biết: “Gia đình tôi mua gói SF2 (dành cho gia đình 2 người) với giá hơn 46 triệu đồng. Mỗi tháng, tôi chi phí hết 1,6 triệu đồng để nhận được thực phẩm, rau quả phục vụ gia đình theo tiêu chuẩn tại nhà. Nếu có thời gian, tôi đưa gia đình lên thăm nông trại, được tự tay nhặt trứng gà, hái rau, câu cá... mang về sử dụng. Đây là mô hình rất phù hợp với cư dân đô thị, bảo đảm nguồn thực phẩm sạch, tiết kiệm chi phí; vui nhất là được du lịch sinh thái miễn phí...”.

Về phía huyện Phúc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Việt Liên cho biết, huyện rất ủng hộ việc nhân rộng mô hình này để tạo thành vùng sản xuất tập trung, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Huyện tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp gặp gỡ nông dân để thuê đất nhằm thuận lợi cho việc đầu tư…

Ủng hộ mô hình, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tư vấn cho doanh nghiệp phương thức hoạt động khi mới xây dựng. Sở hỗ trợ doanh nghiệp kết nối xúc tiến thương mại trong tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội nghị. “Nông trại chia sẻ là hình thức hợp tác liên kết sản xuất mới, cộng đồng tham gia và cộng đồng hưởng lợi. Đây là mô hình phù hợp với phát triển nông nghiệp đô thị như Hà Nội. Mô hình đang mở ra hướng đi mới, rất khả quan, phù hợp với nhiều cấp độ đầu tư và rất đáng được tiếp tục nghiên cứu, mở rộng...” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường kỳ vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng mới từ nông trại chia sẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.