Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Gỡ khó" cho chuỗi liên kết chăn nuôi

Ngọc Quỳnh| 19/07/2019 07:43

(HNM) - Nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng và phát triển chăn nuôi bền vững, Hà Nội đang đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi từ sản xuất đến tiêu thụ.

Là một trong những đơn vị tham gia chuỗi liên kết, Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) Đặng Đình Tiên cho biết: Đến nay, công ty đã xây dựng được 8 trại chăn nuôi khép kín với quy mô 20.000 gà hậu bị, 25.000 gà đẻ. Công ty đã liên kết với 15 trại chăn nuôi vệ tinh của các hộ dân tại địa phương, tuy nhiên việc xây dựng chuỗi còn khó khăn do đầu ra cho sản phẩm hạn chế. Mặc dù công ty đã ký hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo trong cả nước, nhưng số lượng bán được rất ít nên đơn vị vẫn phải bán qua thương lái ở các chợ đầu mối. Một số hộ dân khi liên kết với công ty vẫn phá vỡ hợp đồng, bán trứng ra ngoài khi giá lên cao. 

Còn ông Trần Đình Thành - Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì cho rằng, các hộ dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất theo đúng quy trình chăn nuôi an toàn, nhưng việc tiếp cận nguồn thông tin thị trường còn hạn chế, tiêu thụ sản phẩm vẫn qua thương lái nên hay bị ép giá…

Về khó khăn trong phát triển chuỗi liên kết trong chăn nuôi, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Hiện thành phố có 52 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, hằng ngày cung cấp cho thị trường 60 tấn thịt các loại, 300 nghìn quả trứng và 78 tấn sữa. Các chuỗi đã thu hút 3.000 hộ và 100 cơ sở bán hàng, doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, việc phát triển chuỗi còn lỏng lẻo do thiếu doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi, dẫn đến hàng hóa chưa đa dạng; thói quen sử dụng thịt mát, thịt cấp đông của nhiều người chưa cải thiện. Đặc biệt, cơ chế, chính sách chưa đủ sức khuyến khích, tạo động lực cho các thành phần, nhất là các doanh nghiệp tham gia xây dựng chuỗi. Trong đó có chính sách khuyến khích xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, giết mổ công nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Một số doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm và chia sẻ lợi ích với người chăn nuôi khiến mối liên kết chưa bền vững; sản xuất thiếu cân bằng, tiêu thụ sản phẩm bấp bênh...

Để tháo gỡ khó khăn cho các chuỗi liên kết chăn nuôi, theo ông Nguyễn Đình Tường, chủ chuỗi chăn nuôi lợn sinh học ở huyện Quốc Oai, các sở, ngành tham mưu cho thành phố tiếp tục có chính sách đặc thù hỗ trợ hợp tác xã, người dân xây dựng chuỗi nhằm khuyến khích kịp thời các chủ thể tham gia. 

Còn theo ông Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn, khi phát triển chuỗi, rất cần doanh nghiệp có tiềm năng, có khả năng đầu tư lâu dài và sẵn sàng chia sẻ lợi ích với các hộ chăn nuôi. Các chuỗi khi xây dựng nên gắn với cơ sở giết mổ, sơ chế, đóng gói bảo đảm an toàn thực phẩm để truy xuất được nguồn gốc. Các ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm của các chuỗi.

Về lâu dài, để chuỗi liên kết chăn nuôi phát triển bền vững, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng đề nghị chính quyền địa phương lựa chọn những doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ chăn nuôi đủ điều kiện tham gia chuỗi liên kết và quản lý chặt chẽ nhằm bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất. Đồng thời, mở các lớp tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho người dân chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang khép kín với việc lựa chọn con giống, thức ăn, quy trình chăm sóc bảo đảm an toàn sinh học; chính quyền địa phương cần phát huy vai trò trung gian kết nối doanh nghiệp và người dân trong ký kết hợp đồng kinh tế, bảo đảm quyền lợi giữa các bên khi tham gia chuỗi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Gỡ khó" cho chuỗi liên kết chăn nuôi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.