Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều chỉnh mực nước lũ trên sông: Cần thiết và cấp thiết!

Bài, ảnh: Kim Nhuệ| 14/08/2019 07:47

(HNM) - Những năm gần đây, lũ lụt, úng ngập ngày càng diễn biến phức tạp với sức tàn phá khủng khiếp. Do vậy, việc xác định chính xác mực nước trên sông để kịp thời ban hành cấp báo động lũ là hết sức cần thiết và cấp thiết phải có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế…

Điều chỉnh là cần thiết...

Trong những ngày Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội phát lệnh báo động lũ cấp I trên sông Bùi vừa qua, sáng nào ông Đặng Văn Bài, người dân xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) cũng ra sông kiểm tra mực nước trên cột thủy chí rồi về làng thông báo với mọi người. “Sáng 11-8, mực nước sông Bùi chỉ còn 5,41m, giảm 0,05m so với tối hôm trước. Với mực nước này, bà con cứ yên tâm làm ăn…”, ông Đặng Văn Bài chia sẻ thông tin với người dân địa phương.

Đại diện Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội khảo sát vị trí, đề xuất xây dựng trạm thủy văn tự động trên sông Bùi, huyện Chương Mỹ.

Đánh giá cao việc làm của ông Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng cho biết, trong những ngày báo động lũ cấp I trên sông Bùi, xã đã phân công lực lượng theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và kiểm tra thực tế mực nước sông, sau đó thông báo trên hệ thống loa truyền thanh để nhân dân chủ động ứng phó... “Là địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang, xã Nam Phương Tiến rất mong các cấp, các ngành đầu tư xây dựng hệ thống cảnh báo tự động mực nước sông Bùi để kịp thời triển khai các giải pháp ứng phó…”, ông Nguyễn Chiến Thắng đề xuất.

Theo Trưởng phòng Phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai (Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội) Lê Thanh Hồng: Hiện nay, phần lớn các tuyến sông của Hà Nội đều có trạm thủy văn để xác định 3 mức báo động lũ: Cấp I, cấp II, cấp III. Tuy nhiên, do phần lớn các trạm thủy văn trên sông của Hà Nội chưa được số hóa, phải thu thập số liệu bằng phương pháp thủ công nên không đáp ứng được yêu cầu của cơ quan tham mưu ban hành lệnh báo động lũ… Bên cạnh đó, do biến đổi lòng dẫn nên tỷ lệ phân lưu từ sông Hồng vào sông Đuống ngày càng lớn. Vì vậy, cần bổ sung trạm thủy văn tại khu vực cửa vào sông Đuống để xác định mực nước báo động cho hệ thống sông Thái Bình chính xác hơn… Ngoài ra, trên các tuyến sông: Đà, Đuống cần thiết bổ sung trạm thủy văn để xác định tình trạng ngập lụt tại khu vực huyện Ba Vì, quận Long Biên...

Theo bà Đặng Thanh Mai - Vụ trưởng Vụ Quản lý dự báo (Tổng cục Khí tượng thủy văn), sau hơn 9 năm thực hiện Quyết định 632/QĐ-TTg ngày 10-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ về quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông thuộc phạm vi cả nước (Quyết định 632/QĐ-TTg) đã xuất hiện nhiều bất cập: Thượng nguồn một số tuyến sông như: Hồng, Đà, Chu, Sêrêpôk… xây dựng nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện nên chế độ dòng chảy thay đổi, do vậy, mực nước báo động lũ theo quy định hiện hành không còn phù hợp. Chưa kể, trên nhiều tuyến sông tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Trà Vinh… vẫn chưa có quy định mực nước tương ứng cấp báo động lũ. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự thảo thay thế Quyết định 632/QĐ-TTg và Tổng cục Khí tượng thủy văn là đầu mối thực hiện nhiệm vụ này.

... Nhưng phải sát thực tế

Xác định chính xác mực nước trên sông để kịp thời ban hành cấp báo động lũ là hết sức cần thiết không chỉ với Hà Nội mà với các địa phương trên cả nước. Bà Đặng Thanh Mai cho biết, dự thảo thay thế Quyết định 632/QĐ-TTg có nhiều điểm mới, trong đó quy định rõ 3 cấp báo động lũ theo mức độ tăng dần của mực nước, quy định về phân cấp báo động lũ và quy định chi tiết mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ tại các trạm thủy văn trên sông; đồng thời, bổ sung 129 trạm có quy định cấp báo động lũ thuộc mạng lưới trạm quốc gia…

Ông Lê Thanh Hồng cho rằng, do việc đầu tư xây dựng các tuyến đê của Hà Nội không nâng cao trình nên Tổng cục Khí tượng thủy văn giữ nguyên mức báo động lũ trên các tuyến sông chảy qua thành phố là phù hợp với thực tế. Trên cơ sở phân cấp, thành phố Hà Nội đã có chủ trương số hóa các trạm thủy văn trên một số tuyến sông nội địa: Nhuệ, Đáy, Tích, Bùi, Thanh Hà... để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế, đã có không ít ý kiến khác nhau. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng cho biết: Nếu hạ cấp báo động lũ tại Trạm thủy văn Trường Xuân xuống mực cấp I là 1,3m, cấp II là 1,8m, cấp III là 2,3m sẽ ảnh hưởng đến việc chỉ đạo, điều hành phục vụ công tác phòng, chống thiên tai của địa phương. Vì vậy, tỉnh Đồng Tháp đề nghị Tổng cục Khí tượng thủy văn điều tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng của lũ cho khu vực này, từ đó xem xét, tính toán và đưa ra cấp báo động lũ phù hợp với thực tế.

Về vấn đề này, theo Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Huỳnh Thị Lan Hương, việc đánh giá đề xuất điều chỉnh báo động lũ cần dựa trên cơ sở khoa học thông qua đặc điểm lũ, tác động của ngập lụt đến dân cư...

Nằm ở một trong 5 "ổ bão" lớn của thế giới, Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với thiên tai lũ lụt. Để giảm thiệt hại do mưa lũ gây ra, việc xác định mức báo động ở các sông được xem là một biện pháp phi công trình đặc biệt quan trọng. Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm hoàn thiện dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành thay thế Quyết định 632/QĐ-TTg. Đây sẽ là cơ sở để Hà Nội nói riêng và các địa phương trên cả nước nói chung có phương án chủ động phòng, chống thiên tai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều chỉnh mực nước lũ trên sông: Cần thiết và cấp thiết!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.