Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việc sử dụng đất tại các công ty nông, lâm nghiệp: Gỡ vướng mắc, siết chặt quản lý

Ánh Dương| 16/09/2019 07:54

(HNM) - Thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17-12-2014 của Chính phủ về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực vào cuộc. Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng đất nông, lâm nghiệp đang tồn tại nhiều vướng mắc cần khẩn trương tháo gỡ, qua đó siết chặt hơn nữa công tác quản lý lĩnh vực này để bảo đảm sử dụng đất hiệu quả.

Chưa giải quyết dứt điểm tồn tại cũ

Theo Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), đến thời điểm hiện tại đã thực hiện rà soát 275 công ty nông, lâm nghiệp; sắp xếp, giữ lại 246 đơn vị với diện tích đất là 1.868.538ha, tại 45 tỉnh, thành phố… Cũng qua rà soát, diện tích đất các nông, lâm trường bàn giao thêm về địa phương là 463.088ha, nâng tổng diện tích đất bàn giao về địa phương lên 1.084.653ha.

Đến năm 2021, cả nước sẽ hoàn thành đo đạc, lập bản đồ địa chính để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng. Ảnh: Bá Hoạt

Tuy nhiên, có một thực tế là những tồn tại cũ chưa giải quyết dứt điểm dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó có tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai giữa hộ dân với nông trường. Theo thống kê của tỉnh Đắk Nông, tổng diện tích đất thu hồi của các công ty lâm nghiệp giải thể và các công ty sau khi sắp xếp đổi mới theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng khá lớn (gần 70.000ha). Nhưng nhiều diện tích đã bị các hộ dân lấn chiếm, sử dụng nên hiện tỉnh chưa thể đo đạc, lập bản đồ địa chính. 

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền cho biết: Những năm 1956-1960, tỉnh có 12 nông trường với diện tích đất sử dụng là hơn 22.591ha và 15 lâm trường với diện tích đất sử dụng 96.824ha. Sau khi thực hiện sắp xếp lại, Thanh Hóa còn 19 công ty, đơn vị. Nhưng do trước đây các công ty nông, lâm nghiệp đã thực hiện giao khoán cho hộ công nhân và nông dân trên địa bàn nên xảy ra tình trạng có hộ dân lấn chiếm đất, chuyển mục đích, chuyển nhượng, tự ý xây công trình nhà ở…

Một ví dụ khác, tại huyện Ba Vì (Hà Nội) hiện có 12 đơn vị nông, lâm trường, trạm trại sử dụng tổng diện tích đất gần 11.000ha. Diện tích các đơn vị phải bàn giao về địa phương quản lý là 1.211,81ha. Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến, hầu hết các đơn vị chưa bàn giao diện tích đất không sử dụng cũng như các công trình công cộng về địa phương quản lý, trong khi nhân khẩu hộ gia đình đã bàn giao về các xã trên địa bàn huyện. Chưa kể, một số đơn vị đã giao khoán đất nông nghiệp không đúng đối tượng quy định, hoặc tự chuyển đổi mục đích sử dụng, cho mượn đất làm nhà ở, dẫn đến hiệu quả sử dụng đất tại các đơn vị này thấp...  

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền cũng nêu ra thực trạng là một số công ty nông, lâm nghiệp chưa phối hợp với các huyện, sở, ngành liên quan để thực hiện rà soát diện tích đất giữ lại, diện tích đất bàn giao về địa phương quản lý để làm cơ sở lập phương án sử dụng đất theo quy định. Tình trạng này khiến việc phê duyệt phương án sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị chậm, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các nông, lâm trường và cả công tác quản lý của địa phương.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Gắn công tác quản lý, sử dụng đất đai với việc thực hiện phương án tổng thể sắp xếp các công ty nông nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam Hồ Phúc Long cho biết, Tổng công ty đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn để xử lý kịp thời tình trạng lấn chiếm đất đai, làm nhà trái phép, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tạo hiệu ứng xấu trên diện rộng và ngày càng phức tạp.

Để thực hiện tốt công tác quản lý đất nông, lâm trường, lãnh đạo nhiều địa phương có cùng quan điểm với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền khi cho rằng: Chính phủ cần có quy định yêu cầu các công ty, đơn vị xây dựng phương án quản lý đất để địa phương có căn cứ quản lý, đặc biệt là giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp.

Nhằm giải quyết cơ bản tồn tại, vướng mắc, siết chặt công tác quản lý, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, cần tập trung nguồn lực để đến năm 2021 hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường nhằm quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng. Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Vấn đề mấu chốt là các công ty nông, lâm nghiệp cần hoàn thành việc chuyển giao đất và hồ sơ đất không có nhu cầu sử dụng, hiệu quả sử dụng thấp, hoang hóa về địa phương quản lý để đưa vào quy hoạch bố trí quỹ đất cho các mục tiêu tổng thể của địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cần tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa nông, lâm trường đối với người dân.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu: Các bộ, ngành, địa phương rà soát lại đất do các công ty nông, lâm trường giữ lại so với nhu cầu thực tế; diện tích đất nông, lâm nghiệp đang sử dụng nhưng chưa lập hồ sơ giao đất, cho thuê đất; đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Đối với đất lấn chiếm, phải thu hồi theo quy định của pháp luật; đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra đất đã giao đối với các tổ chức có biểu hiện vi phạm pháp luật và những đơn vị đã nhận bàn giao nhưng chưa có phương án quản lý, sử dụng hiệu quả…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc sử dụng đất tại các công ty nông, lâm nghiệp: Gỡ vướng mắc, siết chặt quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.