Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt quản lý hồ thủy lợi

Bài, ảnh: Kim Nhuệ| 09/10/2019 07:08

(HNM) - Về mặt luật pháp, trách nhiệm quản lý đã rõ ràng, song nhiều hồ thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn bị xâm hại. Để phát huy hiệu quả giá trị của các hồ chứa nước trong đời sống kinh tế - xã hội, đồng thời thực hiện nghiêm Luật Thủy lợi, vấn đề cần làm ngay là siết chặt công tác quản lý.

Nhiều vi phạm nghiêm trọng

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 117 hồ thủy lợi, trong đó 9 hồ chứa lớn, 20 hồ chứa vừa và 88 hồ chứa nhỏ phân bố tại 7 huyện, thị xã: Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn. Các hồ thủy lợi của Hà Nội không chỉ có vai trò quan trọng trong việc cắt lũ rừng mà còn tích trữ, cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt cho hơn 20.000ha đất sản xuất nông nghiệp và hơn 2 triệu người dân nông thôn vùng hạ du…

Công ty cổ phần Giống gia cầm Ba Vì đào, đắp đất trong lòng hồ Suối Hai, vi phạm nghiêm trọng Luật Thủy lợi.

Mặc dù các hồ chứa đã được thành phố giao cho 4 doanh nghiệp thủy lợi trực tiếp quản lý, khai thác, vận hành và các địa phương chịu trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp thủy lợi trong việc bảo vệ công trình… Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, nhiều hồ thủy lợi vẫn bị xâm hại, với quy mô lớn và tính chất vi phạm phức tạp.

Tại thị xã Sơn Tây, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Đồng Mô đổ 350m3 đất xuống lòng hồ Đồng Mô (khu vực Đồi Mơ, xã Sơn Đông). Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Đông Sơn đổ 400m3 đất xuống bãi nổi lòng hồ Đồng Mô (khu vực đồi Hủng Chuồng, xã Sơn Đông). Công ty này còn xây dựng 4 biệt thự và tuyến đường giao thông dài 200m, rộng 5m trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi nhưng chưa có giấy phép theo quy định của Luật Thủy lợi…

Tại huyện Ba Vì, Công ty cổ phần Giống gia cầm Ba Vì tự ý đào, đắp bờ đất trong lòng hồ Suối Hai (khu vực xã Tản Lĩnh) với chiều dài 1.800m, rộng 5-5,5m, cao 5-5,5m, tổng diện tích đắp, san gạt đất chiếm dụng lòng hồ khoảng 2ha… Trong khi đó, tại huyện Sóc Sơn, gia đình bà Phạm Thị Thúy Hồng ở xã Minh Phú tự ý đổ đất, san nền xây dựng nhà ở trong lòng hồ Ban Tiện. Ông Trịnh Văn Thanh ở xã Minh Trí tự ý đổ đất trong lòng hồ Đồng Đò…

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đào Quang Khải, những hành vi trên đã vi phạm Điều 8 (Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy lợi), Điều 44 (Các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi phải có giấy phép) của Luật Thủy lợi, ảnh hưởng trực tiếp dung tích trữ nước và quy trình vận hành hồ chứa phục vụ phòng, chống thiên tai…

Giải thích về việc để xảy ra vi phạm tại các hồ Ban Tiện, Đồng Đò, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội Nguyễn Văn Hải cho rằng: Do đơn vị không có chức năng xử phạt, khi phát hiện vi phạm đã lập biên bản, chuyển cấp xã xử lý. Tuy nhiên, do cấp xã thiếu kiên quyết nên không xử lý kịp thời.

Về vi phạm tại các hồ Đồng Mô, Suối Hai, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích Đào Mạnh Thủy thừa nhận: Các xí nghiệp trực thuộc chưa phối hợp chặt chẽ với cấp xã để kịp thời lập biên bản, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, các hồ chứa này hiện vẫn chưa được cắm mốc giới vùng phụ cận bảo vệ, dẫn đến khó khăn trong xác định hành vi vi phạm…

Chứng kiến những vi phạm pháp luật về thủy lợi xảy ra trên địa bàn, ông Phùng Văn Thạch ở xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) cho rằng: “Cần xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân được giao trách nhiệm quản lý nhưng để xảy ra vi phạm…”.

Phải xử lý triệt để 

Để thực hiện nghiêm Luật Thủy lợi, ngăn ngừa có hiệu quả các hành vi vi phạm, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định: Sở đã đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân buông lỏng quản lý, để xảy ra vi phạm mà không có biện pháp ngăn chặn, báo cáo chính quyền và cấp có thẩm quyền xử lý… Để ngăn ngừa vi phạm, các doanh nghiệp thủy lợi phải khẩn trương rà soát, xây dựng kế hoạch cắm mốc vùng phụ cận bảo vệ và xây dựng phương án bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi…

Cùng với đó, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị các huyện, thị xã khẩn trương xử lý dứt điểm những vi phạm nêu trên; đồng thời, xem xét, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở vì thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm. Các huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường tăng cường phối hợp với doanh nghiệp thủy lợi đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về thủy lợi; yêu cầu các phòng, ban chức năng chỉ cho phép chủ đầu tư thi công sau khi xuất trình được giấy phép xây dựng…

Thời điểm hiện tại, UBND thị xã Sơn Tây cho biết, đã yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Đông Sơn và Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Đồng Mô di chuyển toàn bộ khối lượng đất ra khỏi khu vực vi phạm và hai đơn vị này đã chấp hành yêu cầu trên… Đối với các công trình xây dựng của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Đông Sơn, do Thanh tra thành phố Hà Nội đang thanh tra công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng của đơn vị này nên thị xã Sơn Tây sẽ xử lý sau khi có kết luận thanh tra…

Đối với vi phạm tại hồ Suối Hai, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho biết, huyện đã yêu cầu xã Tản Lĩnh phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xác định các vi phạm của Công ty cổ phần Giống gia cầm Ba Vì về quản lý, sử dụng đất đai, diện tích vi phạm trong khu vực bảo vệ công trình thủy lợi... Sau khi xác định rõ vi phạm, huyện sẽ xem xét kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và xử lý nghiêm trong tháng 10 này…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý hồ thủy lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.