Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hợp tác xã nông nghiệp: Nhân tố tích cực trong xây dựng nông thôn mới

Đỗ Minh| 25/10/2019 07:14

(HNM) - Với việc đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, các hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Trong đó, nhiều hợp tác xã đã trở thành những điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế tập thể.

Hạt nhân trong phát triển kinh tế

Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát, xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) là một trong những hợp tác xã điển hình về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Ông Nguyễn Mạnh Hồng, giám đốc hợp tác xã này kể: “Được sự hỗ trợ của UBND xã Yên Mỹ, năm 2017, gia đình tôi cùng một số hộ dân góp vốn đầu tư, đưa công nghệ thủy canh vào sản xuất rau và thành lập hợp tác xã. Hiện tại, hợp tác xã đã xây dựng được khu nhà lưới rộng 2.600m2 trồng rau thủy canh theo công nghệ hiện đại của Israel. Mỗi năm, hợp tác xã sản xuất từ 8 đến 10 lứa rau, trung bình 1 tháng thu được khoảng 1-1,2 tấn rau các loại, sản lượng thu hoạch cao gấp 5-7 lần so với cùng diện tích sản xuất rau thông thường...”.

Mô hình trồng hoa lan tại Hợp tác xã Đan Hoài (Đan Phượng) cho hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân làm giàu.

Theo Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ Trần Quang Khánh, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát đã góp phần tích cực trong việc thay đổi bộ mặt nông thôn Yên Mỹ, từ đời sống kinh tế của người dân đến những vấn đề về môi trường… 

Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, nhiều hợp tác xã đã phát huy vai trò chủ động trong phát triển kinh tế địa phương… Hợp tác xã hoa lan Đan Hoài (Hoài Đức) đã đầu tư nhà kính trồng lan hồ điệp cho thu nhập hơn 5 tỷ đồng/năm; Hợp tác xã Rau quả Hồng Thái (huyện Phú Xuyên) trồng măng tây xanh công nghệ cao cho hiệu quả kinh tế từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha…

Về hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Lê Văn Thư cho biết, tính đến hết năm 2018, toàn thành phố có 1.072 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 57,42% tổng số hợp tác xã. Nguồn vốn hoạt động bình quân của mỗi hợp tác xã là 1,48 tỷ đồng. Từ năm 2010 đến nay, Liên minh Hợp tác xã thành phố đã chủ động phối hợp với các huyện, thị xã tổ chức triển khai tư vấn hỗ trợ 313 hợp tác xã tại 313 xã xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Các hợp tác xã đang từng bước trở thành nhân tố mới, có nhiều đóng góp tích cực trong xây dựng phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô, đặc biệt là trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Nâng cao hiệu quả hoạt động

Để tiếp tục phát huy vai trò của hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, các địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh hoạt động của hợp tác xã. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Đặng Đức Quỳnh cho biết, Thanh Trì đề ra mục tiêu đến năm 2025 là duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của 36 hợp tác xã nông nghiệp; có từ 3 đến 5 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp... 

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Lê Văn Lanh, để hợp tác xã phát huy hiệu quả, rất cần sự hỗ trợ về nguồn vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cũng như liên kết với doanh nghiệp để hình thành các chuỗi sản xuất khép kín.

Về vấn đề này, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Lê Văn Thư cho biết, thành phố đã tạo điều kiện để hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn bình đẳng như các thành phần kinh tế khác. Giai đoạn 2008-2018, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã đã hỗ trợ cho vay ưu đãi được 3.330 dự án với tổng dư nợ trên 844 tỷ đồng... Về cơ sở hạ tầng, thành phố tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, điện, nước, công trình thủy lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp phát triển theo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015 và Chương trình số 02-CTr/TU về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020. Về ứng dụng công nghệ, thành phố đã hỗ trợ hợp tác xã theo các chương trình đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, khuyến nông... 

Thời gian vừa qua, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội cũng đã tập trung đẩy mạnh tư vấn, hướng dẫn các xã thực hiện Đề án củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã. Trong đó, trọng tâm là tư vấn, hướng dẫn các hợp tác xã thực hiện mở rộng ngành nghề kinh doanh, dịch vụ và liên doanh, liên kết để phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị nông sản… 

“Phấn đấu đến năm 2020, Liên minh Hợp tác xã thành phố hỗ trợ 50 hợp tác xã tại 50 xã xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 công nhận được hơn 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Lê Văn Thư cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác xã nông nghiệp: Nhân tố tích cực trong xây dựng nông thôn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.