Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ khó cho hợp tác xã nông nghiệp

Đỗ Minh| 25/11/2019 07:53

(HNM) - Thời gian qua các hợp tác xã nông nghiệp đã không ngừng phát huy vai trò, nhiệm vụ trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Cùng với việc triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy mô hình kinh tế tập thể này.

Hiện nay, cả nước có khoảng 1.500 hợp tác xã nông nghiệp sản xuất - kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định với doanh nghiệp. Thành phố Hà Nội có 1.004 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó, nhiều đơn vị đang phát huy vai trò của một mô hình kinh tế tập thể chủ lực tại địa phương.

Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) thu hoạch rau trồng theo công nghệ VietGAP. Ảnh: Hữu Tiệp

Để các hợp tác xã nông nghiệp phát triển thì chính sách hỗ trợ của Nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết, theo quy định tại Luật Hợp tác xã năm 2012, có 5 chính sách riêng cho hợp tác xã nông nghiệp, đó là: Chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; ưu đãi đất đai; ưu đãi về tín dụng; chính sách hỗ trợ vốn, giống khi hợp tác xã nông nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; chế biến sản phẩm. Nhờ đó, hoạt động của mô hình này đã có sự chuyển dịch lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Dẫn chứng điều này, ông Nguyễn Phi Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, trước đây, Hợp tác xã Dương Liễu chỉ đơn thuần làm dịch vụ nông nghiệp với 7 dịch vụ, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Thực hiện chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012, được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật…, đơn vị đã đổi mới phương thức hoạt động, đến nay có 5 đội dịch vụ và 1 doanh nghiệp trực thuộc, hoạt động hiệu quả, doanh thu, thu nhập ngày càng tăng…

Thời gian qua, các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ cơ chế, chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt Lê Văn Việt, mặc dù có nhiều điểm mới song Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản hướng dẫn vẫn còn những hạn chế nhất định. Đơn cử, tỷ lệ cung ứng dịch vụ không quá 32% tổng giá trị cung ứng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã đối với lĩnh vực nông nghiệp là quy định cứng, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh…

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại trong việc triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp tác xã, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ NN&PTNT tiếp tục cùng các bộ, ngành, đơn vị liên quan báo cáo Chính phủ, nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Hợp tác xã phù hợp với tình hình và điều kiện phát triển mới. Cụ thể, xác định rõ vai trò, vị trí của kinh tế hộ và pháp nhân là doanh nghiệp tham gia hợp tác xã nông nghiệp; điều chỉnh tăng tỷ lệ vốn góp tối đa của thành viên lên hơn 20%; bổ sung các chính sách bảo hiểm cho hợp tác xã và thành viên…

Theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh, tới đây đơn vị này sẽ rà soát việc thực hiện những chính sách ưu đãi, hỗ trợ hợp tác xã liên quan đến thuế, tín dụng, đất đai; đồng thời bố trí dòng ngân sách riêng chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo quy định. Ông Nguyễn Văn Thịnh mong muốn, các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý; tích cực hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó cho hợp tác xã nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.