Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ồ ạt trồng cây ăn quả có múi: Nông dân đối mặt nhiều rủi ro

Ngọc Quỳnh| 11/12/2019 08:21

(HNM) - Cách đây khoảng 5 năm, nhiều hộ nông dân trên địa bàn thành phố trồng cây ăn quả như cam Canh, cam Cao Phong, bưởi Diễn... có thể cho thu nhập tiền tỷ mỗi vụ. Thế nhưng gần đây, giá cam, bưởi có dấu hiệu giảm mạnh, trong khi tình hình sâu bệnh lại diễn biến phức tạp. Việc người dân trồng cây theo phong trào, không theo quy hoạch là nguyên nhân chính khiến họ đối mặt với nhiều rủi ro khi "được mùa - mất giá".

Giá bán giảm, cây bị sâu bệnh

Vườn cam với hơn 100 cây giống cam Cao Phong vàng rộm đang vào kỳ thu hoạch, nhưng ông Ngô Văn Thuận (xã Kim Hoa, huyện Mê Linh) vẫn không vui. Bởi, thời điểm này các năm trước, thương lái đến tận vườn thu mua với giá 25.000-30.000 đồng/kg, nhưng năm nay chưa có “động tĩnh” gì. “Nếu giá cam Cao Phong bán ở các chợ từ 20.000 đồng/kg đến 30.000 đồng/kg, thì giá bán tại vườn chỉ được 10.000-15.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mọi năm. Không những thế, khi các loại cây ăn quả có múi chín rộ đồng loạt thì dù giá rẻ, vẫn khó tiêu thụ...” - ông Ngô Văn Thuận cho biết.

Để mô hình trồng bưởi Diễn cho hiệu quả kinh tế cao, người dân cần tuân thủ quy hoạch. Ảnh: Phương Nguyên

Không chỉ bị “rơi giá” so với mọi năm mà tình hình sâu bệnh cũng khiến nhiều người dân lo lắng. Trong đó, không ít hộ đã phải tìm hướng chuyển đổi sang cây trồng khác. Ông Nguyễn Vũ Quang ở xã Kim An (huyện Thanh Oai) chia sẻ: “Gia đình trồng 7 sào cam Canh, nhưng loại cây này chỉ cho giá trị khoảng 7-8 năm; đến cuối năm 2018, gần 200 gốc cam đã bị sâu bệnh. Mặc dù các ngành chức năng đã hỗ trợ khôi phục lại cây nhưng không hiệu quả. Vì vậy, gia đình chuyển toàn bộ diện tích này sang trồng ổi và táo”.

Phó Chủ tịch UBND xã Kim An (huyện Thanh Oai) Nguyễn Văn Hải thông tin, trước đây xã có 130ha trồng cam Canh, bưởi Diễn, nhưng do cam bị sâu bệnh, chết hàng loạt nên diện tích trồng loại cây này chỉ còn 70ha. Nguyên nhân là một số hộ dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trong trồng trọt, trong khi các loại cây có múi lại yêu cầu khắt khe về quy trình kỹ thuật, đầu tư thâm canh… dẫn đến gặp nhiều rủi ro.

Về vấn đề nêu trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại phân tích, thời gian vừa qua, diện tích cây ăn quả của Hà Nội đã tăng khoảng 17.700ha, trong đó cam 877ha, sản lượng đạt 6.778 tấn/năm; bưởi 5.677ha, sản lượng 59.034 tấn/năm. Nguyên nhân dẫn tới diện tích cây có múi ồ ạt mở rộng là bởi người nông dân nhìn vào hiệu quả kinh tế. Nếu mỗi héc ta đất trồng lúa và rau màu cho thu nhập 300-500 triệu đồng/năm thì trồng cam cao gấp 1,5-2 lần và thực tế nhiều hộ đã thu về tiền tỷ. Điều này khiến phong trào trồng cam, bưởi, quýt phát triển rộng khắp từ các xã vùng trũng đến các xã miền núi.

Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, các cơ quan chức năng đã nhiều lần khuyến cáo về hậu quả của việc ồ ạt chuyển đổi sang trồng cam, bưởi, rồi mít Thái nhưng nông dân vẫn chạy theo phong trào. Đến nay, tổng diện tích cây có múi của cả nước là 210.000ha, trong đó chủ yếu là cam (khoảng 100.000ha) và bưởi (hơn 85.200ha). “Chính sự chuyển đổi tự phát của bà con nông dân và sự thiếu kiểm soát của chính quyền địa phương đã khiến diện tích trồng cam, bưởi tăng chóng mặt trong những năm gần đây và nguồn cung tăng nhanh dẫn đến giá bán giảm mạnh...” - ông Nguyễn Như Cường nhận định.

Quản lý chặt theo quy hoạch

Thực tế cho thấy, trồng cây ăn quả theo đúng quy hoạch sẽ phát huy hiệu quả rất lớn, mang lại giá trị cao cho người dân. Ngược lại, nếu phát triển quá "nóng" sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, rủi ro về giá. Vì vậy, để phát triển cây ăn quả, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết, huyện yêu cầu các xã, thị trấn hướng dẫn người dân trồng bưởi Diễn ở vùng đã được quy hoạch tập trung tại các xã: Nam Phương Tiến, Thủy Xuân Tiên, Trần Phú, Văn Võ và thị trấn Xuân Mai với diện tích 1.000ha. Huyện hỗ trợ người dân sản xuất theo hướng VietGAP, xây dựng thương hiệu bưởi Chương Mỹ nhằm nâng cao giá bán trên thị trường.

Để phát triển cây ăn quả một cách bền vững, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khuyến cáo, các địa phương không phát triển cây ăn quả tràn lan, không làm theo kiểu phong trào. Thời gian tới, Sở sẽ kiểm tra việc thực hiện quy hoạch của từng địa phương và có những điều chỉnh phù hợp với thực tế...

Về định hướng thời gian tới, ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 có 1.348,5ha trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong trồng cây ăn quả, Sở phối hợp cùng với các địa phương xây dựng chỉ dẫn địa lý với một số loại cây ăn quả đặc sản (nhãn chín muộn, bưởi Diễn...) và đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ...

Trước tình trạng phát triển "nóng" cây có múi ở các địa phương, Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các tỉnh, thành phố phải khẩn trương rà soát và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, hàng hóa lớn. Bên cạnh đó, các địa phương tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, thâm canh; đồng thời có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị cây ăn quả có múi từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, tiêu thụ và đặc biệt là phát triển công nghiệp chế biến sau thu hoạch để mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng...

Những giải pháp đã được đề ra và triển khai trên thực tế. Vấn đề lúc này là đẩy mạnh thông tin thị trường, gia tăng cảnh báo rủi ro để người dân không chạy theo phong trào, phá vỡ quy hoạch chung. Ở những vùng không quy hoạch trồng cây ăn quả, các cơ quan chức năng cần tích cực hơn trong việc hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ồ ạt trồng cây ăn quả có múi: Nông dân đối mặt nhiều rủi ro

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.