Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa mô hình hiệu quả, dễ ứng dụng

Sơn Tùng| 15/04/2020 07:18

(HNM) - Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai thực hiện nhiều mô hình trình diễn về cây trồng, vật nuôi, thủy sản... nhằm đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, lan tỏa những phương thức sản xuất tiến bộ đến người dân. Với phương châm “4 dễ” (dễ học, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện), nhiều mô hình trình diễn mang lại hiệu quả cao, phát triển rộng.

Anh Lê Nguyên Hùng (nhân viên Trạm Khuyến nông Thường Tín) cho biết, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông thành phố, đơn vị đã triển khai mô hình hệ thống tưới tiết kiệm cho cây trồng tại xã Lê Lợi. Kết quả, để tưới cho 1ha rau, hệ thống chỉ cần hoạt động với thời gian 60 phút/ngày, giảm được khoảng 40% lượng nước tưới; ngoài ra, còn góp phần giảm thất thoát phân bón, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng...

Còn anh Trần Văn Thái ở xã Lê Lợi - người tham gia mô hình phấn khởi khẳng định, mô hình hệ thống tưới tiết kiệm cho cây trồng mà trung tâm hỗ trợ đã giúp gia đình anh thay đổi hoàn toàn tập quán trồng rau truyền thống trước đây. Việc ứng dụng tưới tiết kiệm cũng dễ dàng, gia đình anh đã ứng dụng, mở rộng diện tích tưới tiết kiệm trên toàn bộ 4 sào rau còn lại. Mô hình hệ thống tưới tiết kiệm cho cây trồng của Trung tâm Khuyến nông không chỉ hiệu quả, dễ ứng dụng trên địa bàn huyện Thường Tín mà còn được triển khai tại các địa phương khác như: Ba Vì, Gia Lâm, Đan Phượng, Chương Mỹ… được nhân dân đón nhận, áp dụng trên nhiều loại cây trồng khác nhau từ rau màu đến cây ăn quả...

Một trong những mô hình trình diễn của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội được người dân đánh giá cao nữa là mô hình nuôi thủy sản theo VietGAP với quy mô 20ha, triển khai trên địa bàn 5 huyện: Mỹ Đức, Ba Vì, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ứng Hòa. Anh Nguyễn Văn Lâm ở xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên) tham gia mô hình chia sẻ: Với việc sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ, thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường… toàn bộ 1ha thủy sản sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất trên 18 tấn/ha, thu lãi hơn 80 triệu đồng/ha, cao hơn 15% so với nuôi ao thông thường.

Ngoài các mô hình trên, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội còn triển khai nhiều mô hình khác đang được duy trì, nhân rộng như: Nuôi chạch thương phẩm; chăn nuôi bò sinh sản; sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn; nuôi thủy sản áp dụng công nghệ “sông trong ao”; dây chuyền gieo mạ khay tự động... với sự tham gia của hàng chục nghìn hộ dân trên địa bàn thành phố. 

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại, thông qua các mô hình trình diễn, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã đưa các tiến bộ khoa học công nghệ về với bà con nông dân, góp phần tăng năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi; gia tăng hiệu quả sản xuất. Qua đó giúp nông dân dần thay đổi từ phương thức canh tác phân tán, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung. Những mô hình khuyến nông trở thành đòn bẩy góp phần động viên, lan tỏa tinh thần hăng say sản xuất; khuyến khích các hộ mạnh dạn đầu tư quy mô lớn, áp dụng kỹ thuật mới, công nghệ cao trong sản xuất.

Tuy nhiên, để các mô hình khuyến nông có sức lan tỏa hơn nữa, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho rằng: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các mô hình khuyến nông không chỉ đơn giản là cầu nối chuyển giao khoa học kỹ thuật sinh động theo cách “cầm tay chỉ việc”, mà còn hỗ trợ tích cực về giống, vốn... giúp hàng nghìn hộ dân trên địa bàn thành phố có thể hồi phục, vượt qua khó khăn, yên tâm sản xuất. Trong quá trình triển khai thực hiện, một số chương trình, mô hình khuyến nông phải điều chỉnh nội dung do kinh phí hạn hẹp, chậm được phê duyệt bổ sung kinh phí... Do vậy, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội kiến nghị thành phố cùng các cơ quan, đơn vị chức năng quan tâm hơn để việc triển khai mô hình khuyến nông đến cơ sở kịp thời, trong khung thời vụ tốt nhất…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa mô hình hiệu quả, dễ ứng dụng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.