Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển bền vững vùng rau an toàn

Bạch Thanh| 29/07/2020 06:34

(HNM) - Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân về rau an toàn, ngoài việc duy trì sản xuất trên diện tích 5.044ha hiện có, từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ phát triển thêm từ 3.000ha đến 4.000ha rau an toàn; đồng thời tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Mạnh Phương xung quanh vấn đề này.

Sản xuất rau, củ, quả an toàn theo hướng công nghệ cao tại xã Hồng Quang (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Sơn Tùng

- Xin ông cho biết về tình hình sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay như thế nào?

- Hiện Hà Nội có tổng diện tích canh tác rau là 12.000ha, phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã với 151 vùng sản xuất rau tập trung; sản lượng khoảng gần 700.000 tấn/năm, đáp ứng 70% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Trong đó, diện tích được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất rau là 5.044ha (rau VietGAP: 521,6ha; rau hữu cơ: 50ha...) cho sản lượng gần 400 nghìn tấn/năm. Hiệu quả kinh tế rau an toàn mang lại cho người sản xuất cao hơn rất nhiều so với rau truyền thống, có thể đạt 1 tỷ đồng/ha/năm.

Đối với vùng trồng rau tập trung, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã phối hợp với UBND các xã tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức sản xuất; đồng thời vận động nông dân tuân thủ các tiêu chuẩn về rau an toàn. Mặt khác, các sản phẩm rau an toàn đều phải áp dụng triệt để Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...

- Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 137/KH-UBND, ngày 3-7-2020, về việc triển khai duy trì, mở rộng phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về kế hoạch này?

- Theo Kế hoạch số 137/KH-UBND, trong giai đoạn 2021-2025, ngoài việc duy trì sản xuất trên diện tích 5.044ha đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Hà Nội sẽ mở rộng thêm 3.000-4.000ha rau an toàn với giá trị sản xuất đạt 300-500 triệu đồng/ha/năm, riêng vụ đông đạt 120 triệu đồng/ha/vụ. Cùng với đó, Hà Nội sẽ kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dưới ngưỡng quy định cho 90% diện tích sản xuất rau an toàn trên địa bàn và phát triển thêm 30-40 chuỗi cung cấp rau an toàn, bảo đảm 100% truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Những diện tích nhỏ lẻ, không sản xuất chuyên canh cũng sẽ được tổ chức quản lý theo quy trình sản xuất an toàn. Đồng thời, thành phố sẽ tăng cường hoạt động nghiên cứu, huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật về sản xuất rau an toàn...

- Là đơn vị trực tiếp quản lý, hỗ trợ xây dựng và phát triển các vùng rau an toàn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội sẽ thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nào để đạt được mục tiêu trên?

- Để nâng cao năng lực sản xuất rau an toàn trên diện tích hiện có và mở rộng trong thời gian tới, Chi cục sẽ tổ chức 150-200 lớp tập huấn mỗi năm cho khoảng 5.250 nông dân về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây rau. Cùng với đó sẽ triển khai khoảng 100 điểm thử nghiệm kỹ thuật mới trong phòng trừ sâu bệnh.

Trong thời gian tới, bên cạnh việc tập trung triển khai cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho khoảng 3.600ha rau đã hết hạn theo quy định (triển khai phân tích mẫu đất, mẫu nước… nếu bảo đảm được các yêu cầu đề ra sẽ được cấp lại), Chi cục sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm. Trong đó, tiến hành phân tích khoảng 1.000 mẫu rau điển hình mỗi năm để đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm hay tăng cường kiểm tra, đánh giá kiến thức cũng như khả năng áp dụng quy trình, tiến bộ kỹ thuật trong phòng trừ sâu bệnh của người nông dân. Mặt khác, Chi cục sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin, truyền thông của trung ương, thành phố, cũng như cơ quan tuyên truyền cấp huyện, cấp xã để tăng thời lượng thông tin về sản xuất - kinh doanh - tiêu dùng rau an toàn; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ thực vật và an toàn thực phẩm; việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Đặc biệt để bảo đảm phát triển bền vững diện tích rau an toàn trên địa bàn thành phố, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng siết chặt công tác quản lý vật tư nông nghiệp ở tất cả các khâu; kiểm tra sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp theo phân công, phân cấp nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm theo thẩm quyền.

Về lâu dài, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tập trung phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc đến hộ sản xuất và có sự tham gia của cả người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng; đồng thời đăng ký thương hiệu riêng cho từng sản phẩm rau, củ, quả chủ lực, nhất là đối với các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Qua đó xây dựng, quảng bá thương hiệu rau an toàn Thủ đô đến đông đảo người tiêu dùng...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển bền vững vùng rau an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.