Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng đến thương hiệu nghiên cứu công nghiệp

Thu Hằng| 14/10/2021 07:09

(HNM) - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc được kỳ vọng là mô hình thí điểm áp dụng các chính sách phát triển khoa học và công nghệ, từ đó nhân rộng ra các hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ trong cả nước. Tuy nhiên, để Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc thực sự trở thành hình mẫu mở đường cho các viện nghiên cứu khác, cần rất nhiều thay đổi cả về mặt cơ chế và những quy định đặc thù.

Người dân tham quan các gian trưng bày sản phẩm tại Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam, tổ chức tháng 1-2021. Ảnh: Minh Dũng

Hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc

Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) là viện nghiên cứu trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, được thành lập trên cơ sở Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc. Đây là dự án viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Hàn Quốc dành cho Việt Nam, nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai nước. Năm 2017, VKIST chính thức đi vào hoạt động với mục tiêu trở thành một viện nghiên cứu, phát triển công nghiệp tại Việt Nam, chuẩn hóa theo mô hình của Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST).

Được giao nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển về khoa học ứng dụng và công nghệ đa ngành cho ứng dụng công nghiệp, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật tiên tiến và nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp và các ngành kinh tế kỹ thuật, các nhà khoa học tại Viện VKIST đang tập trung nghiên cứu 4 nhóm chủ lực, gồm: Công nghệ sinh học, cơ điện tử, công nghệ thông tin và cảm biến sinh học.

Sau 4 năm hoạt động, ngoài công việc xây dựng cơ sở hạ tầng, VKIST đã bắt đầu thực hiện một số nhiệm vụ nghiên cứu. Theo Tiến sĩ Kum Dongwha, Viện trưởng Viện VKIST, đến nay, VKIST cơ bản hoàn thành và xây dựng trụ sở mới; xây dựng mô hình viện nghiên cứu hợp đồng tham khảo mô hình của KIST, tận dụng đòn bẩy là cơ chế tài chính đặc thù và hệ thống chi phí vận hành (overhead system); tuyển dụng được 63 nhân sự có trình độ, trong đó phần lớn được đào tạo ở nước ngoài; tổ chức thành công 5 khóa đào tạo cho nhân viên hai khối nghiên cứu và khối hành chính; thiết lập môi trường thân thiện với hoạt động nghiên cứu; thành lập được 4 phòng nghiên cứu về 4 lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên... Đặc biệt, trong thời gian qua, Viện VKIST đã triển khai 15 nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, tạo tiền đề cho các nghiên cứu ứng dụng trong tương lai, đa dạng hóa nguồn thu của Viện. Những thành công bước đầu này là minh chứng cho thấy tính đúng đắn và khả thi của mô hình hợp tác.

Trong giai đoạn 2022-2026, Viện VKIST sẽ tiếp nhận và nhập khẩu công nghệ hiện đại, từng bước nội địa hóa, xây dựng nền tảng phát triển công nghệ trong nước. Viện đặt mục tiêu thành lập thêm 8-10 phòng nghiên cứu, trở thành nhà cung cấp giải pháp kỹ thuật hàng đầu cho doanh nghiệp; tạo ra 10 sản phẩm sở hữu trí tuệ (bao gồm sáng chế và giải pháp hữu ích); tạo ra 1 sản phẩm với giá trị gia tăng cao thay thế sản phẩm nhập khẩu hoặc tạo ra một sản phẩm quốc gia; chuyển giao được 5 kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp.

Cần cơ chế đặc thù

Tuy đã gặt hái được không ít thành công, song những kết quả ban đầu của VKIST là quá nhỏ bé so với tầm vóc của một viện được xây dựng theo mô hình Viện KIST. Theo các chuyên gia, những điểm khác biệt trong mô hình quản lý của VKIST so với những mô hình quản lý của khối nhà nước, tư nhân đang tồn tại ở Việt Nam khiến VKIST gặp khó khăn trong cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, quy chế vận hành… Thời gian qua, VKIST không tuyển được người ở những vị trí quan trọng trong khối nghiên cứu, chưa thu hút được những nhà khoa học thực sự giỏi để đảm trách những đề tài hợp tác lớn. Mục tiêu của VKIST tuyển dụng được 100 người, trong đó có 52 nhà nghiên cứu vào cuối năm 2021 và thành lập một số phòng nghiên cứu mới. Tuy nhiên, để làm được điều đó, VKIST phải có cơ chế tài chính linh hoạt nhằm thu hút và giữ chân các nhà khoa học; cần tháo gỡ khó khăn để thu hút nhân lực giỏi vào vị trí lãnh đạo, trưởng các nhóm nghiên cứu của Viện.

“Cái cần nhất bây giờ với VKIST là một cơ chế tài chính và cơ chế làm việc ổn định”, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Hàm, thành viên Hội đồng VKIST chia sẻ. Chính những điều kiện này là cơ sở để VKIST thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc trả lương để giữ chân các nhà khoa học là điều vô cùng quan trọng, khi mà VKIST phải cạnh tranh với sức hút của cơ chế thông thoáng và rộng rãi về đãi ngộ của các doanh nghiệp, như: Phenikaa, Vingroup... Đồng tình với ý kiến trên, Giáo sư Nguyễn Hữu Đức, thành viên Hội đồng VKIST nhấn mạnh: “Nếu chỉ tập trung nghiên cứu mà không có đào tạo, sẽ khó có các nhóm nghiên cứu mạnh. VKIST muốn phát triển phải kết hợp với các đơn vị đào tạo mới thúc đẩy được nghiên cứu”.

Dù đã chứng thực được thành công ở quốc tế, nhưng để một mô hình quản lý khoa học mới vận hành hiệu quả ở Việt Nam cần phải tăng cường những kết nối và đồng hành nhiều hơn giữa các bộ, ngành. Đó là điều mà Bộ Khoa học và Công nghệ và VKIST đang nỗ lực thúc đẩy, qua đó hình thành một cơ chế mới thông thoáng hơn cho chính các hoạt động của Viện trong tương lai. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch Hội đồng VKIST cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, Viện sẽ nâng cao năng lực nghiên cứu ứng dụng trong các lĩnh vực ưu tiên, kết hợp hệ thống dịch vụ khoa học và công nghệ, hướng đến là đơn vị tự chủ tài chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đến thương hiệu nghiên cứu công nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.